Thị trường hàng hóa
Đám cháy bắt đầu vào thứ Sáu tuần trước khi sét đánh trúng một bể chứa, sau đó lan sang 3 bể chứa khác trước khi được kiểm soát vào thứ Ba vừa rồi. Đến hôm thứ Năm, ngọn lửa đã được dập tắt, nhưng cặn dầu vẫn còn nóng và rất nguy hiểm.
Cuba từ lâu đã dựa vào cảng Matanzas cách Havana khoảng 130 km để nhập khẩu và lưu trữ hầu hết nhiên liệu thô và nặng. “Chúng tôi phải thực hiện một cuộc khảo sát và xem mức độ sẵn sàng của các nhà máy lọc dầu là như thế nào”, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phát biểu tại một cuộc họp lập kế hoạch.
Ông nói thêm: “Chúng tôi phải có khả năng xử lý các nhiên liệu nhập khẩu vào đất nước trong thời gian ngắn nhất có thể". Hiện Cuba đang nhập khẩu khoảng 60% lượng nhiên liệu tiêu thụ.
Gần đây, người dân Cuba vốn đã phải trải qua tình trạng mất điện triền miên, thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men và phải xếp hàng hàng giờ đồng hồ để mua hàng hóa cơ bản. Theo các chuyên gia, vụ cháy đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này do lưới điện đã lỗi thời.
Tại thành phố Camaguey, miền trung Cuba, y tá nghỉ hưu Aneida Gonzalez cho biết hiện bà lo lắng thức ăn sẽ bị hỏng khi tủ lạnh không có điện. "Trước khi xảy ra thảm họa Matanzas, chúng tôi thường xuyên bị mất điện từ 6 đến 8 giờ một ngày, và bây giờ là 12 giờ đến 18 giờ một ngày, đôi khi chia thành hai lần", bà cho hay.
Ở tỉnh Holguin, bà nội trợ Edilma Lezcano cho biết qua điện thoại rằng tình trạng mất điện hàng ngày đã kéo dài 12 giờ và xăng “rất khan hiếm, không chỉ vì không có nguồn cung cấp mà còn không có điện để duy trì hoạt động của các trạm dịch vụ”.
Kể từ năm 2020, nhập khẩu của Cuba đã giảm 40% và tổng sản phẩm quốc nội của nước này giảm 10%. Theo chính phủ, lạm phát đã tăng vọt 77% vào năm ngoái và 28% tính đến tháng 8 của năm 2022, thậm chí một số các nhà phân tích độc lập còn cho rằng lạm phát thực ra đã gia tăng ở mức ba con số.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm