Thị trường hàng hóa
Trước đó, ngày 11/7, giá xăng dầu giảm mạnh hơn 3 000 đồng/ lít khiến nhiều người tiêu dùng kỳ vọng giá các loại thực phẩm cũng sẽ "hạ nhiệt". Tuy nhiên, thực tế theo khảo sát tại các chợ đầu mối, giá thực phẩm không có dấu hiệu giảm giá. Thậm chí một số mặt hàng giá còn tăng mạnh. Cụ thể, giá trứng gia cầm tại chợ hiện vẫn ở mức cao. Tiểu thương Thu Nga - chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) bán trứng vịt từ 36.000-38.000 đồng/chục tùy loại. Theo chị, thời gian qua, giá trứng ở mức cao do khan hàng và ảnh hưởng từ giá xăng dầu đắt đỏ. Còn giá trứng gà tại chợ Phú Nhuận dao động từ 32.000-37.000 đồng/chục.
Tương tự, giá thịt heo cũng đang tăng giá mạnh. Tại Chợ đầu mối Hóc Môn, heo hơi loại I (CP) tăng giá từ 58.000 đồng/kg lên 66.000 đồng/kg; heo hơi loại II (CP) tăng giá từ 55.000 đồng lên 62.000 đồng/kg; thịt đùi rọ tăng từ 67.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg; sườn non tăng từ 130.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg; cốt lết tăng từ 70.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg; nạc dăm tăng từ 87.000 đồng/kg lên 95.000 đồng/kg,...
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh... tại chợ dân sinh cũng vẫn đứng nguyên giá. Cô Hoa, tiểu thương bán rau tại chợ Bình Thạnh (TP HCM) cho rằng, khó có thể điều chỉnh giá rau xanh khi mà nguồn cung hạn chế. "Cả tuần nay mưa bão, nhiều loại rau xanh thiếu hàng khiến giá tăng vọt", cô Hoa nói. Hiện, mỗi kg rau xà lách lên tới 60.000 đồng một kg, bó xôi 50.000 đồng, các loại cà chua, hành vẫn ở mức 30.000-50.000 đồng một kg.
Theo các doanh nhân nhập khẩu, để hàng hóa nhập về đến tay người tiêu dùng phải mất ít nhất một tháng. Do đó, nếu giá xăng chỉ giảm trong 10 ngày và tăng lại ngay sau đó, cước phí vận chuyển và chi phí khác vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, tình trạng khan container rỗng đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Mỗi container hàng đông lạnh trước đây chỉ mất 4-8 triệu đồng thì nay 20-30 triệu đồng. Mặc khác, cấu thành của hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng bởi cả thị trường quốc tế nên chỉ khi giá nguyên liệu thế giới hạ thì hàng nhập trong nước mới có thể giảm.
Là ngành chịu tác động trực tiếp từ bão giá xăng dầu, cũng là “trung gian” kéo giá của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh khác tăng cao, song, ngành vận tải gần như chắc chắn vẫn sẽ đứng ngoài sự kiện xăng giảm giá 10% lần này. Trả lời báo chí, đại diện một DN vận tải hàng hóa tại TP.HCM khẳng định dù có giảm hết cỡ các loại thuế, phí hiện nay trong giá xăng dầu thì DN vận tải cũng vẫn chưa thể hạ giá cước tương ứng. Nguyên nhân, suốt thời gian qua, giá cước vận tải không tăng theo kịp giá xăng.
Công thức chung mà cả DN và thị trường vận tải thống nhất là khi xăng dầu tăng/giảm 10%, DN sẽ điều chỉnh tăng/giảm giá cước tương ứng với tỷ lệ chiếm chi phí của nhiên liệu. Tính từ tháng 6.2021 đến nay, giá dầu đã tăng tới 70%, tính trong tổng thể chi phí thì mức tăng là 20%, trong khi cước vận tải đến nay chỉ điều chỉnh tăng được khoảng 10%. Vì thế, phải gom rất nhiều kỳ điều chỉnh xăng dầu nữa mới đủ sức tác động giảm giá cước vận tải.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí, chi tiêu cho nhiên liệu của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, giá hàng hóa giảm ngay sau điều chỉnh xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm