Thị trường hàng hóa
Theo hãng tin Oilprice, giá khí đốt giao ngay Hà Lan - được xem là giá chuẩn giao ngay châu Âu đã giảm gần 8% trong phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần ở Amsterdam, Hà Lan. Trong ngày, giá khí đốt được ghi nhận giao dịch ở mức 140 USD/megawatt-giờ (MWh), đây là mức giá khí đốt tiêu chuẩn thấp nhất của châu Âu kể từ ngày 1/7.
Cụ thể, theo nhiều nhà phân tích, nguyên nhân dẫn đến giá khí đốt châu Âu tiếp tục giảm trong đầu tuần này là do tăng vọt hoạt động nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào châu Âu và thời tiết ôn hòa hơn trong một hoặc hai tuần.
Trong khi đó, ở Pháp cũng ghi nhận sản lượng điện hạt nhân cao hơn so với những tháng trước, có thể nói đây là động lực giúp cung cấp điện trên toàn châu lục, xoa dịu tình hình nhập khẩu năng lượng căng thẳng tại khu vực.
Mặt khác, các quốc gia thuộc khu vực Tây Bắc châu Âu cũng đang tăng cường nhập khẩu hàng hóa LNG, đạt mức cao nhất vào thời điểm này trong năm kể từ năm 2016, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Theo Reuters, 9 tàu chở đầy LNG hiện dự kiến sẽ đến Anh vào cuối tháng 10.
Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa của Ngân hàng Saxo cho biết: Động lực khiến giá khí đốt rơi xuống mức thấp trong ba tháng ở châu Âu hôm nay “được thúc đẩy bởi lượng LNG dồi dào, thời tiết mùa thu ôn hòa và nhu cầu tiêu thụ giảm rõ rệt”.Ông nhận định thêm khả năng gây sốc thị trường của Nga đã giảm đi nhiều, cụ thể dòng chảy khí đốt đã giảm 78% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến, trong hai tuần tới, châu Âu sẽ đón thời tiết ôn hòa, mát dịu, điều này cũng sẽ làm giảm bớt áp lực gia tăng đối với nhu cầu khí đốt để sưởi ấm và điện của người dân và các Chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, vào tuần trước, các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa đồng ý về một số hình thức giới hạn giá khí đốt của Nga sau khi thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Praha.
EU đang nỗ lực đàm phán về "một hành lang nhân đạo nơi có giá khí đốt hợp lý" với các nhà cung cấp đáng tin cậy, hoặc ví dụ, "xem xét cách hạn chế giá trên thị trường khí đốt nói chung", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào cuối tuần trước.
"Dự trữ khí đốt ở EU hiện ở mức hơn 90%", Ủy ban châu Âu chia sẻ vào cuối tuần này. Đồng thời thông báo một "Tin tốt: chúng tôi đã giảm mức tiêu thụ khí đốt khoảng 10% nhưng vẫn có thể làm được nhiều hơn".
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng “không nên phấn khích khi mùa đồng vẫn chưa cận kề”, châu Âu cần kích hoạt “hồi chuông cảnh giác” hơn nữa nếu không muốn bị sa lầy “khủng hoảng năng lượng” khắc nghiệt vào cuối năm nay.
Đối với các hộ gia đình châu Âu, khủng hoảng năng lượng đã là thực tế quá rõ nét, phản ánh qua hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục % cho đến cả vài trăm %, giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, đồng thời phải thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện…
Nếu trong tương lai gần, giá khí đốt đột ngột tăng vọt do một vài “nguyên nhân không cần thiết” chắc hẳn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều công ty châu Âu, nhiều nhà kinh doanh đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ.
Mức giá năng lượng đó cũng khiến các công ty châu Âu suy giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Hậu quả trước mắt là sản xuất sụt giảm, đình trệ, thất nghiệp gia tăng còn về lâu dài thì sẽ là việc đánh mất khả năng cạnh tranh, thậm chí là phá sản.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm