Tờ Le Figaro trích lời Cao uỷ EU Thierry Breton cho biết, các nước thành viên EU dự kiến sẽ cải thiện thủ tục mua khí đốt chung vào cuối tháng 11. Bước đi này nhằm mục đích kiềm chế các đợt tăng giá khí đốt mới nhất do hậu quả của các lệnh trừng phạt chống Nga và chính sách từ bỏ năng lượng Nga của EU.
Ông Breton cho hay, các biện pháp đã thỏa thuận sẽ củng cố vị thế của các quốc gia EU trong các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp, và hy vọng giá khí đốt sẽ trở nên “hợp lý”.
Cùng với việc cải tiến quy trình mua khí đốt, các nhà chức trách EU cũng ủng hộ việc đưa ra một kế hoạch tạm thời nhằm hạn chế giá khí đốt. Sáng kiến này đã được áp dụng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và bây giờ Pháp đang đề xuất mở rộng ra toàn khối.
Bà Nnenna Amobi, Nhà phân tích LNG cấp cao của Refinitiv, cho biết, tổng nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng hàng tháng trong tháng 10, đạt khoảng 14 tỷ mét khối (bcm). Đây cũng là mức cao hơn gần 50% vào tháng 10/2021.
“Về kỳ vọng, nhiều điều giống như được báo cáo trong vài tuần qua. Tuy nhiên, mọi con mắt sẽ vẫn theo dõi động thái thời tiết và khả năng khởi động lại Freeport. Đây là những yếu tố chính có thể tác động mạnh hơn đến giá cả” - bà Nnenna Amobi nêu.
Nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Ý cho biết, trong tuần này, các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ đã đầy hơn 95%, trong khi mức dự trữ khí đốt của Đức gần 100% tính đến ngày 2/11.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, các cơ sở lưu trữ khí đốt có thể nhanh chóng bị cạn kiệt nếu mùa Đông này trở nên thực sự lạnh giá, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) cũng cho rằng, châu Âu cần phải hành động ngay để tránh tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong năm tới.
Cụ thể, trong báo cáo mới về tương lai của thị trường năng lượng, IEA dự báo về tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông 2023-2024 vì các nước Châu Âu có thể không nạp đầy các cơ sở lưu trữ trong những tháng mùa hè.
IEA giải thích, việc bổ sung dự trữ trong năm nay được hưởng lợi từ các yếu tố có thể không lặp lại vào năm 2023. Chẳng hạn, trong năm nay, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga vẫn gần với mức cũ trong phần lớn nửa đầu năm mặc dù đã giảm dần do các lệnh trừng phạt và những khó khăn về kỹ thuật.
EU cũng được hưởng lợi từ việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022, cho phép EU bù đắp cho sự sụt giảm về nguồn cung khí đốt của Nga.
IEA cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU có thể kéo dài đến năm 2024, khi dự trữ khí đốt cạn kiệt.
Các nhà lãnh đạo EU được cho là đã kêu gọi đẩy nhanh các cuộc đàm phán của EU với các nhà sản xuất năng lượng “đáng tin cậy” như Na Uy và Mỹ hay Qatar. Tuy nhiên, một vấn đề cũng đáng lo ngại đó là, EU đang chi trả cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đắt gấp 4 lần so với người Mỹ, điều này là không bình thường.
Theo một số nguồn tin, vấn đề giá LNG từ Mỹ tăng cao sẽ được các nhà lãnh đạo EU thảo luận trong thời gian tới.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.