Thị trường hàng hóa
Theo Reuters, Eni - nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga tại Ý (ENI.MI) cho biết họ không nhận được bất kỳ lượng khí đốt nào mà họ đã đặt hàng từ Gazprom (GAZP.MM) của Nga để giao từ cuối tuần trước và tình hình cũng không cải thiện vào ngày thứ hai (3/10), mặc dù các công ty cho biết họ đang làm việc để khắc phục điều này.
Nga và một số quốc gia châu Âu, bao gồm cả Đức đã gây khó dễ trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng hai.
Căng thẳng tăng vọt trong tuần này sau khi rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2 nối Nga và Đức phun ra hàng tấn khí mê-tan vào Biển Baltic, nơi mà Liên Hợp Quốc tin rằng có thể là vụ rò rỉ khí gây hại khí hậu lớn nhất từng được ghi nhận.
Hôm thứ bảy (1/10), nhà điều hành Nord Stream 2 thông tin, khí đốt cuối cùng đã ngừng rò rỉ ra ngoài, 5 ngày sau vụ vỡ ban đầu, mà cả Nga và phương Tây đều đổ lỗi cho vụ phá hoại.
Liên minh châu Âu cho biết, Moscow đang sử dụng dòng khí đốt cần thiết cho năng lượng trong khu vực như một "vũ khí" kinh tế, điều mà Nga luôn phủ nhận, thay vào đó quy trách nhiệm cho tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu gây ra bởi cuộc xung đột của Nga ở Ukraine, đã leo thang từ vấn đề đảm bảo nguồn cung sang thách thức đảm bảo các mạng lưới giữ ấm và chiếu sáng cho châu Âu khi những tháng mùa Đông lạnh hơn và tối hơn đang đến gần.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, mối quan tâm trước mắt sẽ là an ninh của các đường ống nối Na Uy và Châu Âu, bao gồm cả đường ống Baltic mới mở.
Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho hay, Na Uy ngày càng trở thành một đối tác quan trọng trong nỗ lực của châu Âu nhằm tránh suy thoái năng lượng gây ra suy thoái kinh tế, thúc đẩy sản xuất khí đốt để cung cấp khoảng 30% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Trước đó, Nga từng là nước cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, song hiện chỉ đáp ứng dưới 10%.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước có phiên giảm giá sâu với mức giảm lên đến 18.000-18.500 đồng mỗi bình 12kg từ ngày 1/10. Đây là lần giảm giá thứ 6 liên tiếp.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/10, giá bán gas SP giảm 1.542 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 405.000 đồng.
Tương tự, đại diện thương hiệu City Petro cho hay, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp cũng giảm 1.500 đồng/kg, các loại bình gas 12kg giảm 18.000 đồng, bình 45kg giảm 67.500 đồng và bình 50kg giảm 75.000 đồng.
Do đó, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng không quá 426.500 đồng/bình và loại 50kg không quá 1.776.500 đồng/bình.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết, giá bán PetroVietnam Gas sẽ giảm 18.000 đồng đối với bình gas 12kg và 67.500 đồng đối với bình gas 45kg so với tháng 9.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 10 là 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm giá mạnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm