Thị trường hàng hóa
Từ khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 tới nay, châu Âu đã bất an cao độ về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng trong mùa đông năm nay, trong bối cảnh Nga - vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu - liên tục cắt giảm cung cấp khí đốt cho khu vực này.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, do các lệnh cấm vận áp đặt lên Moscow trong những tháng gần đây, hiện nguồn cung khí đốt của Nga cho EU đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, giờ đây, châu Âu đã có thể yên tâm phần nào khi dự trữ khí đốt của các nước trong khu vực đã gần đầy; các tàu chờ khí đốt hoá lỏng (LNG) đang xếp hàng chờ vào cảng vì không có đủ suất để dỡ hàng; và giá khí đốt sụt giảm nhanh.
Dữ liệu từ cơ quan Hạ tầng khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe) cho thấy dự trữ khí đốt của EU hiện đạt khoảng 94% công suất. Mức này vượt xa mục tiêu dự trữ đạt 80% mà EU đặt ra cho mốc thời gian tháng 11. “Đó là một mức dự trữ rất cao” - ông Massimo di Odoardo, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie nói, đồng thời nhấn mạnh rằng trong 5 năm qua, mức dự trữ khí đốt bình quân cao nhất của châu Âu là 87%.
Trong các nước châu Âu, Pháp đã sớm hoàn tất việc trữ đầy 100% kho dự trữ khí đốt và được cho là có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác trong nguồn cung năng lượng nhờ số lượng nhà máy điện hạt nhân đông đảo.
Bên cạnh đó, Đức cho biết dự trữ khí đốt đã đạt 95%, nhanh hơn hai tuần so với mục tiêu chuẩn bị đối phó với mùa đông thiếu khí đốt Nga. Theo Hãng tin AFP, Đức đã chi 1,5 tỉ euro (1,46 tỉ USD) để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp chính là Qatar và Mỹ.
Giá khí đốt giao sau tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu hiện đã giảm hơn 70% kể từ mức cao kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 8. Hôm thứ hai tuần này, giá khí đốt giao ngay trong vòng 1 giờ có thời điểm giảm dưới 0 - theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước có phiên giảm giá sâu với mức giảm lên đến 18.000-18.500 đồng mỗi bình 12kg từ ngày 1/10. Đây là lần giảm giá thứ 6 liên tiếp.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/10, giá bán gas SP giảm 1.542 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 405.000 đồng.
Tương tự, đại diện thương hiệu City Petro cho hay, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp cũng giảm 1.500 đồng/kg, các loại bình gas 12kg giảm 18.000 đồng, bình 45kg giảm 67.500 đồng và bình 50kg giảm 75.000 đồng.
Do đó, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng không quá 426.500 đồng/bình và loại 50kg không quá 1.776.500 đồng/bình.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết, giá bán PetroVietnam Gas sẽ giảm 18.000 đồng đối với bình gas 12kg và 67.500 đồng đối với bình gas 45kg so với tháng 9.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 10 là 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm giá mạnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm