Thị trường hàng hóa
Theo Ủy viên phụ trách Năng lượng EU Kadri Simson, Liên minh châu Âu (EU) đã thay thế hoàn toàn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt từ các nhà cung cấp đáng tin cậy. "Đa dạng hóa, giảm nhu cầu, chính sách lưu trữ chung về năng lượng của chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt" - bà Kadri Simson nói.
EU thay thế khí đốt của Nga bằng việc tăng cường mua LNG từ Mỹ. Theo Ủy ban châu Âu (EC), từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả LNG, giảm 39 tỉ m3. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ tăng gần 80%.
Trước đó, đại diện của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về đề xuất của Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm đặt mức giá trần đối với dầu Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Tuy nhiên, con số này dường như quá thấp đối với một số nước, trong khi lại quá cao đối với một số nước khác.
Mặc dù giá đã giảm so với mức đỉnh vào tháng 8/2022, do nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào giúp châu Âu làm đầy kho dự trữ, nhưng giá khí đốt có thể sẽ bắt đầu tăng trở lại.
Nhu cầu sưởi ấm trong bối cảnh nhiệt độ giảm mạnh trong mùa đông có thể đẩy giá khí đốt tăng cao, khiến các nước EU phải bơm khí đốt từ các kho dự trữ của họ để sử dụng. Dự trữ khí đốt ở Italy đã giảm xuống 93,5% từ 95,4% do nước này phải đối mặt với nhu cầu sử dụng cao hơn trong tháng 11.
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, giá trong hợp đồng khí đốt tự nhiên TTF tương lai của Hà Lan cho tháng 12 tới tăng 1%, lên 125 Euro cho mỗi megawatt giờ và các hợp đồng tháng 1 của Hà Lan tăng lên 128,30 Euro.
Các nhà giao dịch cho hay, việc ngừng hoạt động liên tục tại một nhà máy xuất khẩu quan trọng của Mỹ và dự báo thời tiết lạnh giá ở châu Âu sẽ thúc đẩy cạnh tranh toàn cầu về nhiên liệu trong mùa Đông này và có khả năng hạn chế các chuyến hàng đến châu Á.
Hiện, giá khí tự nhiên hóa lỏng giao ngay tại châu Á tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 10 do lo ngại gián đoạn sản xuất và thời tiết lạnh hơn tại các thị trường trọng điểm sẽ tiếp tục thắt chặt nguồn cung. Tại Japan Korea Marker (JKM) - tiêu chuẩn LNG của Bắc Á, đã tăng 20% trong tuần lên 34,24 USD/mmBTU.
Trong khi các nhà nhập khẩu LNG ở Bắc Á, như Nhật Bản và Trung Quốc lạc quan rằng, họ đã đảm bảo đủ nhiên liệu cho mùa Đông, thì nguồn cung vẫn eo hẹp và đợt lạnh đột ngột ở những quốc gia này có thể nhanh chóng làm cạn kiệt kho dự trữ. Châu Á đang cạnh tranh trực tiếp với châu Âu đang thiếu năng lượng để giành lấy lượng LNG sẵn có ngày càng cạn kiệt.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm