Thị trường hàng hóa
So với mức cao nhất trong tháng 8/2022 (trên 9 USD/mmBTU), giá gas giao dịch ở phiên đầu tuần (14/11), vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) tăng 2,19% lên 6 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2022.
Còn ở phiên cuối tuần (19/11), giá gá giao dịch ở mức 6,37 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2022 vào lúc 10h50 (giờ Việt Nam).
Các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy 94%. Tổng nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng hàng tháng trong tháng 10, đạt khoảng 14 tỷ mét khối (bcm). Đây cũng là mức cao hơn gần 50% vào tháng 10/2021.
Đáng chú ý, khí đốt không phải là một vấn đề lớn với Đức nữa khi liên tiếp đón nhận tin vui kép về nguồn năng lượng quan trọng này. Dữ liệu công bố mới đây cho thấy các cơ sở dự trữ khí đốt ở Đức hiện đã đạt 100% công suất.
Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu đã ráo riết bổ sung dự trữ khí đốt do Nga cắt giảm nguồn cung sau chiến dịch quân sự ở Ukraina. Các bể chứa đầy sẽ đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong những tháng mùa đông.
Một trong những bước ngoặt quan trọng, đó là mới đây Đức đã khánh thành kho cảng LNG nổi đầu tiên ở thành phố cảng miền Bắc Wilhelmshaven. Cơ sở này có khả năng tiếp nhận khoảng 5 tỷ m3 khí mỗi năm. Các đợt giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ đến vào tháng 12 tới.
“5 tỷ m3 là đủ để cung cấp cho khoảng 2 - 5 triệu hộ gia đình mỗi năm. Chúng tôi dự kiến mỗi tuần sẽ có một tàu chở khí LNG đến đây. Khí LNG sẽ được tiếp nhận, xử lý và đưa vào mạng lưới vận chuyển khí đốt của Đức” - ông Christian Janzen, Trưởng dự án Công ty Uniper tại cảng LNG Wilhelmshaven nói.
Với mỗi cảng như thế này, Đức có thể nhập khẩu lượng khí tự nhiên tương đương 8% nhu cầu tiêu thụ của Đức. Theo một số nguồn tin, Đức sẽ xây dựng 5 cảng như vậy. Đức cũng đã nỗ lực tìm nguồn thay thế khí đốt Nga, bao gồm nhập khẩu LNG từ các nhà sản xuất như Na Uy và Mỹ.
Ngoài ra, Ai Cập đã bắt đầu giảm bớt ánh sáng tại các địa danh ở Cairo khi nước này tìm cách bán thêm khí đốt cho Châu Âu vốn đang thiếu năng lượng để kiếm thêm doanh thu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Ở một diễn biến khác, Cơ quan Công tố Thụy Điển mới đây cho biết, các nhà điều tra đã phát hiện dấu vết chất nổ được sử dụng ở khu vực rò rỉ tại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
Thông tin trên được đăng tải trên Reuters còn nêu, quá trình phân tích trên các mảnh vỡ được thu thập từ đường ống đã cho thấy việc thuốc nổ được sử dụng. Điều này chứng tỏ các vụ rò rỉ khí đốt là hành vi phá hoại nghiêm trọng.
Cơ quan Công tố Thụy Điển còn cho hay, quá trình phân tích và điều tra sẽ tiếp tục diễn ra nhằm tìm ra thủ phạm của những hành động phá hoại này.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.
Mới đây, theo thông báo từ Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Phúc Sang Minh (PSE), Công ty TNHH Toho Gas của Nhật Bản - một trong ba công ty khí đốt lớn của Nhật Bản sẽ tham gia thị trường kinh doanh khí đốt tại Việt Nam bằng việc hợp tác đầu tư chiến lược và mua lại 40% cổ phần của PSE, qua đó chính thức tham gia thị trường khí đốt Việt Nam.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm