Thị trường hàng hóa
Các kho dự trữ khí đốt của Châu Âu đã được nạp đầy trước mùa đông nhưng châu lục này vẫn phải triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để có thể thoát khỏi tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Điều dễ nhận thấy, thời tiết tháng 1 sẽ không bao giờ ấm áp như tháng 10 trước đó và điều này có nghĩa là nhu cầu năng lượng sưởi ấm sẽ tăng trong tháng 12 và tháng 1. Hệ quả là tiêu thụ sẽ cao hơn ở những quốc gia dựa vào khí đốt để sưởi ấm, dẫn đến việc khí đốt dự trữ trong kho sẽ sụt giảm.
Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức, ông Klasu Mueller từng cảnh báo, chúng ta sẽ khó tránh khỏi trường hợp khẩn cấp về khí đốt vào mùa đông nếu không tiết kiệm ít nhất 20% trong khu vực tư nhân, thương mại và công nghiệp.
“Kho dự trữ khí đốt của Đức có thể cạn kiệt trong vài ngày nếu thời tiết chuyển sang rất lạnh giá. “Chỉ cần vài ngày lạnh cóng là đủ để lượng tiêu thụ khí đốt tăng mạnh” - ông Klasu Mueller nói.
Theo một hãng tin của Đức, Đức tuyên bố sẽ tăng đáng kể thuế đối với điện và năng lượng sưởi ấm. Đối với khí đốt, người dùng sẽ phải trả thêm 54% và đối với điện, tỷ lệ thậm chí nhiều hơn là 61%. Thay đổi thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2023. Các nhà cung cấp năng lượng giải thích quyết định trên là do Nga ngừng cung cấp khí đốt thông qua đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, vốn bị hư hại.
Do đó, cũng như các biện pháp trừng phạt mà Ba Lan áp đặt đối với đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu, thị phần của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu đã giảm từ 40% xuống còn 9%. Hiện tại, khí đốt Nga được cung cấp cho châu Âu thông qua hệ thống trung chuyển khí đốt (GTS) ở Ukraine và dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Âu đang tìm cách thay thế khí đốt qua đường ống của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông. Nhu cầu LNG ngày càng tăng của châu Âu đang dẫn đến tình trạng thiếu các cơ sở tái hóa khí và kho cảng LNG ở châu Âu. Lượng khí mà các nước sản xuất LNG không thể tăng nhanh và cũng không thể đáp ứng nhu cầu.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/12 giá gas tiếp tục tăng. Theo đó, trung bình mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng từ 13.000-14.000 đồng, loại 45kg tăng 52.000-53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu, so với tháng trước.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/12, giá bán gas SP tăng 1.083 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tức tăng 13.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 438.000 đồng/bình 12kg.
Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo từ 1/12, các sản phẩm của thương hiệu gas này tăng 7.000 đồng/bình 6kg, 14.000 đồng/bình 12kg, 52.500 đồng/bình 45kg và 58.500 đồng/bình 50kg.
Với mức tăng này, giá bán lẻ của gas City Petro đến tay người tiêu dùng không vượt quá mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/12, giá gas của công ty này tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng hơn 52.500 đồng/bình 45kg. Như vậy, giá gas bán lẻ của công ty này đến tay người tiêu dùng là hơn 442.000 đồng/bình 12 kg, còn bình 45kg là hơn 1.660.000 đồng/bình.
Giá gas Petrolimex bán lẻ tại thị trường Hà Nội từ 1/12 tăng 13.200 đồng/bình 12kg và tăng 52.800 đồng/bình 48kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Vì vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tương ứng là 440.900 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.763.600 đồng/bình công nghiệp 48kg.
Theo thông báo của Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South), từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ của thương hiệu này tăng 1.167 đồng/kg gas so với tháng trước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng 52.515 đồng/bình 45kg.
Chi hội Gas miền Nam cho biết, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 12 là 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng trước đó. Trước tình hình giá gas thế giới tăng đã kéo theo giá gas bán lẻ trong nước tăng và trong giai đoạn cận Tết 2023 nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm