Thị trường hàng hóa
Thời tiết ấm hơn bình thường trong vài tuần trở lại đây đã làm chậm thời điểm bắt đầu sử dụng lò sưởi. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Như vậy, lượng khí đốt cho cao điểm mùa đông năm nay sẽ dồi dào hơn.
Các kho dự trữ khí đốt trên khắp lục địa châu Âu đã được lấp đầy và sẵn sàng cung cấp cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp trong mùa đông năm nay. Ngay cả các tàu chở khí đốt tự nhiên hoá lỏng đường biển cũng đang đối diện với tình trạng ùn tắc tại các cảng để chờ được dỡ hàng.
Tuy nhiên, vào đầu năm tới khi thời tiết lạnh hơn, vẫn còn lo ngại châu Âu có thể nhanh chóng tiêu thụ hết lượng khí đốt dự trữ, kéo theo nguồn cung sẽ bị thắt chặt sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Giá gas tại châu Âu được giao dịch quanh mức 115 euro/MWh, tương đương 180 USD/thùng nếu tính theo giá dầu. Các hợp đồng khí đốt giao trong tháng 12 và tháng 1 ở mức trên 230 USD/thùng.
Mặc dù, giá khí gas đã giảm gần 65% kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8. Song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo giai đoạn này sẽ không kéo dài và khi mùa đông đến, giá khí đốt sẽ tăng trở lại và không loại trừ khả năng bị thiếu khí đốt để sử dụng.
Trưởng bộ phận Kinh tế tại CRU Group - Alex Tuckett, cho biết, tình hình chung ở châu Âu là mọi người dường như đang khá tự tin - giá giao ngay hiện đã giảm, kho chứa đã đầy nhưng còn quá sớm để nói rằng mọi thứ sẽ ổn.
Dù giá đang giảm nhưng giá khí tự nhiên giao sau của châu Âu vẫn cao hơn 126% so với tháng 10/2021, thời điểm các nền kinh tế bắt đầu mở cửa sau đại dịch Covid-19. CNN dẫn dự báo của giới chuyên gia cho biết giá khí đốt có thể tăng mạnh trở lại vào tháng 12 và tháng 1/2023 khi thời tiết lạnh hơn. Nếu thời tiết chỉ lạnh hơn bình thường một chút thì dự trữ khí đốt của Đức sẽ gần như cạn kiệt vào cuối mùa đông và họ phải tập trung cắt giảm nguồn cung.
Ngay cả khi châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay nhưng năm tới tình hình có thể sẽ khó khăn hơn và sức nóng của thị trường khí đốt cũng sẽ không dừng lại. Không giống như 6 tháng đầu năm 2022 khi nguồn cung của Nga vẫn còn được duy trì, châu Âu có thể đối mặt với “cuộc chiến” để đảm bảo nguồn cung dự trữ khí đốt phục vụ cho mùa đông
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, do các lệnh cấm vận áp đặt lên Moscow trong những tháng gần đây, nguồn cung khí đốt của Nga cho EU đã giảm đáng kể, đồng thời,châu Âu tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế khác.
Trong đó, Mỹ đang là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu, tuy nhiên Tổng thống Pháp Macron mới đây chỉ trích Mỹ "tiêu chuẩn kép" khi bán khí đốt cho châu Âu với giá cao gấp nhiều lần thị trường nội địa.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết do tỉ giá biến động, đồng USD tăng giá nên giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm theo tỉ giá.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm