Thị trường hàng hóa
Đợt lạnh hiện đang quét qua Tây Bắc châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu khí đốt để sưởi ấm trong bối cảnh lưu lượng đường ống của Nga giảm nghiêm trọng. Khu vực này đang dựa vào các kho dự trữ tích lũy trong mùa hè và mùa thu, trong khi nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng vọt lên mức kỷ lục.
Các kho lưu trữ trên khắp châu Âu hiện đã đầy khoảng 87%, giảm khoảng 9 điểm phần trăm trong tháng đầu tiên rút tiền ròng.
Tình trạng giảm giá vì vậy sẽ không duy trì được lâu. Bloomberg đưa tin, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu sẽ tăng do các dấu hiệu cho thấy một đợt lạnh khác sẽ tiến vào khu vực trước Lễ Giáng sinh, trong khi cạnh tranh quốc tế về LNG bắt đầu gay gắt.
Hiện Qatar đang nổi lên như nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG quan trọng nhất cho châu Âu khi khu vực này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga.
Do vị trí địa lý nằm gần châu Âu, Qatar được xem như nhà cung cấp triển vọng nhất cho khu vực này trong các năm tới. Năm 2021, Qatar đã cung cấp 21% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của toàn châu Âu, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể khi các bản hợp đồng mới có hiệu lực.
Công ty năng lượng của Qatar - QatarEnergy, sẽ bán cho các nhà nhập khẩu năng lượng của Đức 2 triệu tấn khí đốt hóa lỏng mỗi năm kể từ năm 2026. Đây là bản hợp đồng dài hạn đầu tiên của Qatar với nước Đức.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia dự báo, nhập khẩu khí đốt tự nhiên mới và đường ống bổ sung của Đức không thể bù đắp lượng khí đốt từng được Nga cung cấp. Là nền kinh tế lớn nhất của EU, phần lớn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sản xuất, Đức có tác động dây chuyền lớn đến hoạt động kinh tế của toàn khối.
Khí đốt sản xuất trong nước của Đức chỉ chiếm 5% tổng lượng tiêu thụ, phần còn lại trước đây được nhập khẩu từ Nga (55%), Na Uy (31%) và Hà Lan. Mùa đông này có thể rất khó khăn đối với Đức, đặc biệt nếu mùa đông lạnh và/hoặc kéo dài, ngay cả khi lượng nhập khẩu LNG mới được tăng cường.
Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt gần 90 tỷ mét khối vào cuối thập kỷ này.
Việc triển khai các dự án như mỏ Kovyktinskoe, Power of Siberia 2 và tuyến đường Viễn Đông sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt cho phía đông lên 48 tỷ mét khối vào đầu năm 2025 và 88 tỷ mét khối vào năm 2030
Bên cạnh đó, các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ở vùng Yamal của Nga sẽ giúp tăng sản lượng LNG của nước này thêm 70 tỷ mét khối, từ đó cho phép đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu.
"Nga sẽ phát triển quan hệ kinh tế với các đối tác ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh để ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập nước này về kinh tế" - Tổng thống Putin cho hay.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/12 giá gas tiếp tục tăng. Theo đó, trung bình mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng từ 13.000-14.000 đồng, loại 45kg tăng 52.000-53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu, so với tháng trước.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/12, giá bán gas SP tăng 1.083 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tức tăng 13.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 438.000 đồng/bình 12kg.
Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo từ 1/12, các sản phẩm của thương hiệu gas này tăng 7.000 đồng/bình 6kg, 14.000 đồng/bình 12kg, 52.500 đồng/bình 45kg và 58.500 đồng/bình 50kg.
Với mức tăng này, giá bán lẻ của gas City Petro đến tay người tiêu dùng không vượt quá mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/12, giá gas của công ty này tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng hơn 52.500 đồng/bình 45kg. Như vậy, giá gas bán lẻ của công ty này đến tay người tiêu dùng là hơn 442.000 đồng/bình 12 kg, còn bình 45kg là hơn 1.660.000 đồng/bình.
Giá gas Petrolimex bán lẻ tại thị trường Hà Nội từ 1/12 tăng 13.200 đồng/bình 12kg và tăng 52.800 đồng/bình 48kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Vì vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tương ứng là 440.900 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.763.600 đồng/bình công nghiệp 48kg.
Theo thông báo của Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South), từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ của thương hiệu này tăng 1.167 đồng/kg gas so với tháng trước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng 52.515 đồng/bình 45kg.
Chi hội Gas miền Nam cho biết, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 12 là 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng trước đó. Trước tình hình giá gas thế giới tăng đã kéo theo giá gas bán lẻ trong nước tăng và trong giai đoạn cận Tết 2023 nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm