Thị trường hàng hóa
Giá khí đốt kỳ hạn của châu Âu đã bắt đầu giảm khi các cơ sở lưu trữ đã đầy ắp. Đối với toàn EU, kho lưu trữ đã ở mức 92% dung lượng tối đa, bao gồm Pháp 98%, Đức 95%, Hà Lan 93%, Ý 93% và các nước này chiếm 2/3 tổng lượng hàng tồn kho của EU.
Mặc dù giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu dù đã giảm mạnh so với mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 8 nhưng vẫn cao hơn 265% so với cùng kỳ năm ngoái, đặt ra thách thức đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, buộc các chính phủ phải triển khai những gói trợ cấp khổng lồ.
Ba Lan và 4 quốc gia EU khác đã đưa ra yêu cầu với Ủy ban châu Âu để nghiên cứu phương án nhằm hạn chế giá khí đốt tăng cao và đề xuất các giải pháp để giảm thiểu chi phí năng lượng trước mùa đông tới.
Trong một bức thư gửi tới cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu mới đây, các bộ trưởng năng lượng của Hy Lạp, Italia, Bỉ, Hà Lan và Ba Lan đã đề xuất sửa đổi các tham chiếu đối với giá khí đốt của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF) trong các hợp đồng liên quan thông qua các biện pháp quản lý của EU.
Liên minh châu Âu sẽ công bố các đề xuất vào tuần tới để khởi động việc mua khí đốt chung của khối trong vòng vài tháng tới và phát triển một tiêu chuẩn giá khí đốt thay thế. Các quốc gia thành viên EU đã có cuộc tranh luận về việc liệu gói này có bao gồm giới hạn giá khí đốt hay không.
Nhiều trang tin nhận định, ngay cả khi dự trữ khí đốt của châu Âu gần đầy “kịch kim”, an ninh năng lượng của khu vực vẫn còn rất mong manh. Khả năng cúp điện hay chia khẩu phần khí đốt vẫn còn trong những tháng sắp tới nếu xảy ra thêm những cú sốc nguồn cung mới hoặc mùa đông lạnh giá hơn bình thường.
Cho dù có trong tay dự trữ khí đốt ít nhất 90%, EU vẫn có thể đối mặt sự gián đoạn nguồn cung vào đầu năm tới nếu Nga quyết định cắt hẳn cung cấp khí đốt cho châu Âu - theo một báo cáo hồi tháng 7 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Một tín hiệu lạc quan, đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất xây dựng một trung tâm khí đốt lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ để xử lý số khí đốt trước đây được dẫn qua đường ống Nord Stream.
Đề xuất được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Kazakhstan hôm thứ 5 (13/10). Nga hiện đang muốn chuyển hướng nguồn cung cấp khí đốt khỏi các đường ống Nord Stream, bị hư hại trong các vụ nổ hồi tháng trước.
Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đang cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ ở quy mô tối đa, đồng thời nói thêm rằng Ankara đã trở thành đối tác đáng tin cậy nhất cho việc vận chuyển các nguồn năng lượng của Nga sang châu Âu.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước có phiên giảm giá sâu với mức giảm lên đến 18.000-18.500 đồng mỗi bình 12kg từ ngày 1/10. Đây là lần giảm giá thứ 6 liên tiếp.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/10, giá bán gas SP giảm 1.542 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 405.000 đồng.
Tương tự, đại diện thương hiệu City Petro cho hay, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp cũng giảm 1.500 đồng/kg, các loại bình gas 12kg giảm 18.000 đồng, bình 45kg giảm 67.500 đồng và bình 50kg giảm 75.000 đồng.
Do đó, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng không quá 426.500 đồng/bình và loại 50kg không quá 1.776.500 đồng/bình.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết, giá bán PetroVietnam Gas sẽ giảm 18.000 đồng đối với bình gas 12kg và 67.500 đồng đối với bình gas 45kg so với tháng 9.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 10 là 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm giá mạnh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm