Thị trường hàng hóa
Thống kê cho thấy, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước đón 954,6 nghìn lượt khách quốc tế, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính trung bình hàng tháng, tốc độ tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm đạt 62%/tháng.
Trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam, trừ thị trường Mỹ, 9 thị trường còn lại đều từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Đáng chú ý, Hàn Quốc dẫn đầu với 196,2 nghìn lượt khách, tăng 903,7% so với cùng kỳ. Mỹ đứng thứ hai với 102,9 nghìn lượt, tăng 5.382%.
Khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản có 46 nghìn lượt du khách, tăng 794,6%. Đài Loan đạt 36,7 nghìn lượt, tăng 395,9%, trong khi đó Trung Quốc tăng nhẹ 34,5%, với 53 nghìn lượt.
Trong top 10 thị trường đến Việt Nam đông nhất, khu vực Đông Nam Á góp tới 4 thị trường là Campuchia đạt 60,4 nghìn lượt, xếp thứ 3 trong top 10. Singapore đạt 50,5 nghìn, xếp thứ 5; Thái Lan đạt 39,7 nghìn lượt, xếp thứ 8; Malaysia có 35,9 nghìn lượt, xếp thứ 10.
Mặc dù số lượng du khách ở châu Âu đến Việt Nam không đông như Đông Á và Đông Nam Á, nhưng các thị trường châu Âu lại có tốc độ tăng trưởng rất cao. Lượng khách lớn nhất đến từ Anh (26,4 nghìn lượt, tăng 2958,6% so với cùng kỳ), Pháp (23,4 nghìn lượt, tăng 2963,7%), Đức (23,6 nghìn lượt, tăng 3897,1%).
Các thị trường gửi khách đến Việt Nam hàng đầu trong 7 tháng đầu năm 2022
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục du lịch đã thẩm định và cấp mới 312 giấy phép của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy so với cùng kỳ năm 2021), cấp đổi 65 giấy phép, trong khi thu hồi 38 giấy phép.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%.
Bên cạnh các con số đầy lạc quan về sự phục hồi và trở lại của các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch, tình hình về nhân lực trong lĩnh vực du lịch cũng báo hiệu những tín hiệu tốt.
Theo con số từ Tổng Cục du lịch, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 30.837 hướng dẫn viên được cấp thẻ (tăng 2.643 hướng dẫn viên so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 18.831 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 10.765 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 1.241 hướng dẫn viên tại địa điểm.
Về lĩnh vực lưu trú du lịch, cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 phòng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 phòng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 phòng. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch cũng đã công nhận 46 cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao, 35 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao và 2 căn hộ du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Việc gia tăng cơ sở lưu trú và các khách sạn hạng sang giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thuận tiện hơn trong việc duy trì các tour tuyến cũng như mở thêm các điểm du lịch còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm