Thị trường hàng hóa
RBC Capital Markets dự đoán có 15% khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại đáng kể trong năm tới, dẫn đến giá dầu Brent giảm 37% so với mức 94,70 USD hiện tại. "Tất cả là do nhu cầu suy yếu", nhóm chiến lược gia của RBC Capital Markets do ông Michael Tran dẫn đầu giải thích trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 12/10.
Các chuyên gia của RBC bày tỏ lo ngại trước các yếu tố kinh tế vĩ mô bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero COVID, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đi quá xa với việc tăng lãi suất nhanh.
“Các mối đe dọa về vĩ mô này nếu trở thành hiện thực có thể dẫn tới một bối cảnh giống như suy thoái, nơi mà mối tương quan giữa các loại tài sản rủi ro đều biến động mạnh do các nhà đầu tư đổ xô tới các tài sản an toàn”, báo cáo của RBC cho biết.
Lạm phát phi mã dẫn đến việc Fed tăng lãi suất mạnh tay. Tính từ đầu năm nay, FED đã tăng lãi suất tổng cộng 5 lần với tổng mức tăng 3%, trong đó có ba lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, một động thái chưa từng có tiền lệ. Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng có thể tăng lãi suất đáng kể trong tháng 11 và tháng 12 tới. Điều này làm gia tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Theo RBC, nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu sẽ giảm. Hoạt động kinh tế chậm lại có xu hướng dẫn đến giá dầu giảm do nhu cầu và chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu.
Giá dầu đã tăng vọt lên khoảng 130 USD/thùng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 nhưng hiện đã giảm về mức khoảng 90 USD.
"Những diễn biến trong quý trước là lời nhắc nhở rõ ràng rằng một tác động mạnh của chính sách vĩ mô có thể tạm thời lấn át các nguyên tắc cơ bản đối với hầu hết các loại tài sản”, nhóm chuyên gia do ông Tran dẫn đầu nhận định.
Ngoài ra, RBC còn đưa ra hai kịch bản kinh tế khác có thể tác động đến giá dầu trong năm tới. Trong trường hợp suy thoái không xảy ra, giá dầu Brent sẽ tăng khoảng 25% lên 115-120 USD/thùng do Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu thô sang châu Âu thông qua các đường ống quan trọng. Còn trong một kịch bản nền kinh tế Mỹ suy thoái nông, RBC kỳ vọng giá dầu thô sẽ dao động quanh mức hiện tại, trong khoảng 90 - 95 USD/thùng.
Trước đó, hãng tin Reuters đã thực hiện một cuộc khảo sát vào tháng 9. Kết quả cho thấy đà sụt giảm của giá dầu có thể chậm lại trong quý IV/2022 và sang đầu năm 2023. Cụ thể, 42 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 100,45 USD/thùng trong năm nay và 93,70 USD/thùng vào năm 2023. Hai mức trên đều giảm so với ước tính lần lượt là 103,93 USD/thùng và 96,67 USD/thùng vào tháng 8.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết lo ngại suy thoái có thể chỉ ảnh hưởng đến giá dầu trong ngắn hạn, sau đó thị trường sẽ chuyển trọng tâm sang vấn đề nguồn cung.
Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan dự báo dầu thô sẽ giảm xuống mức trung bình 101 USD/thùng vào nửa cuối năm 2022 và 98 USD/thùng vào năm 2023. Natasha Kaneva, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại JPMorgan cho biết trong một báo cáo hồi tháng 7: “Mặc dù chúng tôi không tin rằng rủi ro suy thoái đã ảnh hưởng đến giá dầu, nhưng rủi ro đó đang gia tăng. Báo cáo cho biết giá dầu có xu hướng giảm từ 30 đến 40% trong các cuộc suy thoái”.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm