Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 10, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản chỉ mới thu hút được 472 triệu USD, chiếm gần 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đến hiện tại, kinh doanh bất động sản đang đứng đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 10 tháng qua với hơn 3,87 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cùng kỳ năm ngoái, con số này ghi nhận 2,12 tỷ USD.
Chuyên gia tại Công ty Bất động sản Savills Việt Nam nhận định cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Trong đó, các khu công nghiệp tại hai đầu cầu kinh tế lớn đạt tỷ lệ lấp đầy cao. Đây cũng là một trong những yếu tố đưa công nghiệp Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho vốn đầu tư nước ngoài.
Năm 2018, xu hướng đầu tư bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh và đạt kỷ lục. Hai năm sau dịch tốc độ này đã giảm đi. Giá trị đầu tư vào bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD/năm, đặc biệt năm 2021 con số này chỉ đạt hơn 2,6 tỷ USD.
Trong khi trước đó mức đầu tư năm 2018 là gần 7 tỷ USD. Đến 9 tháng đầu năm 2022, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng, dự báo có thể phục hồi và vượt năm 2018.
Minh chứng là quy mô bình quân của dự án trong lĩnh vực bất động sản 9 tháng qua đã cao hơn so với năm 2018. Cụ thể, nếu năm 2018, quy mô đầu tư rơi vào khoảng 54 triệu USD/dự án thì 9 tháng đầu năm nay đã đạt 64 triệu USD/dự án.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang được đánh giá có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực.
Nguyên nhân của sự tích cực trên là nhờ chính sách mở cửa biên giới của nước ta được áp dụng sớm, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến và làm việc tại Việt Nam; trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid”. Điều này thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do, điển hình là hiệp định EVFTA, nên thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu. Một yếu tố khác đang góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn đến từ sự ổn định của tỷ giá VND/USD so với tỷ giá ở một số nước trong vùng như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.
Tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối với loại hình bất động sản công nghiệp cùng giá thành tăng cao đã phản ánh mức độ và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM và Hà Nội.
Đây là một điểm sáng đối với thị trường bất động sản. Song, để thu hút dòng vốn FDI này Việt Nam phải giải quyết nhiều khó khăn như tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ các dự án đầu tư của họ; cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cho các dự án triển khai,...
Báo cáo số liệu của của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 928 triệu USD và hơn 853 triệu USD.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm