Thị trường hàng hóa
Nếu như những dân tộc khác, nhà trai có trách nhiệm đưa lễ dẫn cưới đến nhà gái để thực hiện nghi lễ rước dâu thì với người Giẻ Triêng hoàn toàn ngược lại. Theo phong tục của người Giẻ Triêng, con gái đến tuổi lấy chồng sẽ được chủ động chọn lựa chàng trai mà mình thương yêu. Sau đó, họ sẽ chuẩn bị đủ từ 100 đến 300 bó củi hứa hôn để đưa sính lễ "bắt chồng".
Với người con gái Giẻ Triêng củi hứa hôn như thể hiện tấm lòng, tình yêu của người con gái đối với chàng trai được chọn. Đây chính là thông điệp tình yêu vô giá trong lễ cưới không gì có thể thay thế được.
Loại củi được người Giẻ Triêng chuộng nhất đó là cây xà nu (thông) và dẻ, một loại cháy nhanh và một lâu tàn. Điều này, ở một góc độ nào đó được hiểu như lời cầu mong về một tình yêu cháy bỏng mà thủy chung, son sắt của đôi vợ chồng trẻ.
Tiêu chí đốn củi nhiều, đẹp, đều đồng nghĩa với việc sau này tình yêu đôi lứa của cô gái với chàng trai càng trở nên sâu nặng. Người Giẻ Triêng cho rằng, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về.
Cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau có nghĩa cô gái khéo tay. Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra. Những thanh củi tình yêu này cũng chính là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét. Đây được xem là một phong tục lành mạnh mang nhiều ý nghĩa nhân văn thể hiện phẩm chất chịu thương chịu khó của người phụ nữ Giẻ Triêng, là một nét văn hóa đẹp tượng trưng cho tình yêu đôi lứa.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tục lệ mang củi về nhà chồng có thể bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần lửa của người Việt cổ. Người phụ nữ mang củi về nhà chồng chính là ẩn ý tôn thờ và duy trì thần lửa, mang đến sự bảo vệ và no ấm cho gia đình. Đây được xem là một phong tục lành mạnh mang nhiều ý nghĩa nhân văn thể hiện phẩm chất chịu thương chịu khó của người phụ nữ Giẻ Triêng.
Theo tập tục, lễ cưới của người Giẻ Triêng thường được tổ chức vào tháng 11, 12 trong năm, đây được xem là thời điểm tốt nhất để cử hành nghi lễ. Lễ cưới sẽ được chia thành 2 phần là lễ hỏi và lễ cưới. Không giống như các dân tộc khác, lễ hỏi của người Giẻ Triêng chỉ được tổ chức bí mật vào ban đêm. Phần lễ cưới được tổ chức công khai vào ban ngày.
Trong ngày thực hiện nghi lễ cưới, nhà gái phải cõng sang cho nhà trai lượng củi thường là 100 bó nhiều thì lên đến 300 bó. Còn gia đình chàng trai cũng tập trung anh em lại, giã gạo, thổi cơm mời những người cõng củi ở lại “dự tiệc”. Ngoài ra, nhà trai còn phải chuẩn bị lễ vật là chiếc Kà Tu riêng cho những người cõng củi.
Rượu thịt của ngày cưới sẽ có 5 đến 6 con lợn (to trên 1 tạ ), món thịt chuột, thịt chim phơi hoặc sấy khô (nguyên cả con). Số lượng chuột và chim tùy theo từng gia đình, nhưng thường thì từ 60 đến 70 con. Lễ cưới hỏi của người Giẻ -Triêng thường diễn ra rất linh đình, thịt lợn, thịt trâu sau khi được ngã thịt một phần sẽ được đưa về nhà gái làm lễ vật, sau đó đến tối nhà trai sẽ mời tất cả đàn ông trong làng tới nhà uống rượu (uống tới 3 ngày) đến ngày thứ 3 thì mời cả nam, nữ trong làng tới nhà cùng chia vui.
Sau lễ cưới hỏi người con gái có thể tự do có thể về ngủ ở nhà mẹ đẻ hoặc nhà chồng, trong thời gian một năm đến “ngủ chung” ở nhà chồng, cô gái thường lên rừng cõng củi về cho gia đình chàng trai. Thỉnh thoảng, tự tay mình giã gạo mang đến cho nhà chồng. Những người trong gia đình cô gái cũng giúp cô cõng củi về nhà tập kết và che chắn cẩn thận.
Việc lưu giữ nét văn hóa củi hứa hôn, củi tình yêu của người phụ nữ Giẻ Triêng những năm qua bị sức ép trước việc xâm phạm tài nguyên rừng. Để không phá rừng nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống, người Giẻ Triêng đã nghĩ ra cách làm hay khi dùng cây trồng (thường là cây bời lời) làm củi hứa hôn. Cây bời lời hiện được người dân trồng nhiều ở các sườn đồi, nương rẫy, quanh nhà. Việc chọn cây trồng giúp người con gái Giẻ Triêng nơi đây bớt vất vả, không phải lo lên rừng đốn củi.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm