Thị trường hàng hóa
Một ngày tình cờ, tôi có dịp nói chuyện với doanh nhân Hồ Huy khi chúng tôi cùng tham dự một sự kiện. Câu chuyện lan man từ nội dung sự kiện đến chuyện đời, chuyện nghề, chuyện kinh doanh và cuối cùng đến một cuộc hẹn gặp anh ngay trụ sở Tập đoàn Mai Linh, cũng chỉ để nói cho hết những câu chuyện còn dang dở. Với mọi người, Hồ Huy là chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, một doanh nhân đình đám mà tên tuổi gắn với những thăng trầm của tập đoàn này. Qua câu chuyện với anh, chân dung Hồ Huy hiện lên như một người truyền cảm hứng, bởi sự lạc quan, bản lĩnh thương trường và cả sự quyết đoán trong từng tình huống, từng giai đoạn.
Hai năm liên tiếp đại dịch trở thành thách thức đối với không ít doanh nghiệp, nhất là với một doanh nghiệp về vận tải như Mai Linh. Việc kinh doanh vận tải hành khách ít nhiều bị đình trệ ảnh hưởng đến công việc của người lao động, đến doanh thu của công ty, nhưng cũng chính từ những đợt giãn cách này mà một hình ảnh mới của Mai Linh đã trở nên thân thương hơn với mọi người.
Chủ tịch Mai Linh chia sẻ: “Ngay đợt giãn cách đầu tiên của thành phố tôi đã có những suy nghĩ trăn trở, hạn chế đi lại như này thì những người dân có nhu cầu đi khám chữa bệnh, nhất là các trường hợp cần cấp cứu sẽ ra sao? từ những suy nghĩ trăn trở đó, tôi đã bàn với Ban lãnh đạo tập đoàn, đề xuất lên lãnh đạo thành phố cho Mai Linh thành lập đội xe chuyển bệnh miễn phí hoạt động khắp các quận huyện. Trong suốt đợt giãn cách đầu tiên, hàng ngàn bệnh nhân đã được các chuyến xe nghĩa tình của Mai Linh đưa đón an toàn đến bệnh viện, rất nhiều người trong số đó đã được cứu nhờ được đưa đón kịp thời. Toàn bộ kinh phí được trích từ nguồn quỹ của công ty”.
Tưởng rằng đợt dịch đầu qua đi thì quỹ đạo kinh doanh sẽ được lặp lại nhưng liên tiếp các đợt dịch bùng phát sau đó khiến lượng khách hàng giảm sút rõ rệt do tâm lý e ngại các phương tiện giao thông công cộng. Nhiều tài xế không trụ nổi đã chuyển nghề làm việc khác. Lãnh đạo tập đoàn lại trăn trở các hướng kinh doanh mới. Nhưng dự định cũng vẫn chỉ là dự định khi mà thêm một lần nữa thành phố và cả nước bước vào đợt dịch khốc liệt nhất. Tất cả các hoạt động gần như đóng băng khi mà thành phố liên tục nâng cấp độ giãn cách xã hội. Lần này thì chính lãnh đạo thành phố lên tiếng kêu gọi Mai Linh thành lập đội xe hỗ trợ phòng chống dịch.
Ông Hồ Huy trầm lại khi nhắc đến thời điểm quyết định dấn thân. “Thú thực thì tôi rất lo lắng trước quyết định thành lập đội xe miễn phí hỗ trợ chống dịch. Bởi lần này không như đợt dịch lần đầu. Dịch lây lan quá nhanh, các ca nhiễm tăng hàng giờ, các ca tử vong cũng được cập nhật liên tục khiến chúng tôi, những người lãnh đạo tập đoàn không khỏi lo âu. Thành lập đội xe xông pha tuyến đầu là trách nhiệm với người dân, với xã hội, với thành phố, nơi chúng tôi tạo dựng sự nghiệp nhưng cũng là đặt nguy hiểm lên nhân viên của mình, lên tài xế của mình, lên đồng đội mình. Tôi đã có những đêm trắng, trước và cả sau khi quyết định thành lập đội xe”.
Từng là một người lính, Hồ Huy không cho phép mình đầu hàng. Và ông tin, các cộng sự của mình cũng vậy. Khó khăn, thử thách và cả hiểm nguy chỉ thêm hun đúc ý chí người chiến sĩ. Khi chiến tranh, cầm súng chiến đấu bảo vệ bình yên cho tổ quốc là nhiệm vụ của người lính thì khi hòa bình, lúc hữu sự tổ quốc cần, mỗi con người lại trở thành chiến sĩ, ở một tâm thế khác, với thứ vũ khí khác, nhưng lòng nhiệt huyết thì không gì thay đổi.
Dự định ban đầu Mai Linh sẽ dành 1.000 xe để tham gia chống dịch nhưng do thiếu tài xế nên đội xe chỉ vượt ngưỡng hơn 100 chiếc, trực chiến 24/24 để đáp ứng mọi yêu cầu vận chuyển chống dịch của thành phố. Do nhiệm vụ lần này đối diện với hiểm nguy, thậm chí nếu sơ sẩy có thể nguy hiểm đến tính mạng nên ngay từ đầu lãnh đạo tập đoàn đã để anh em tài xế xung phong, không ép buộc, không kỳ nèo. Với lãnh đạo công ty Mai Linh, lớp tài xế xung phong xông pha tuyến đầu đợt này xứng đáng được tưởng thưởng, được tôn vinh, trân trọng. Đương nhiên, quyền lợi của anh em cũng được lãnh đạo công ty đảm bảo. Dù đang trong giai đoạn khó khăn do kinh doanh đình trệ kéo dài thì Mai Linh cũng đã chi ra hơn 5 tỷ đồng cho đợt chống dịch này cùng thành phố.
Sau đợt dịch, nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp được đề nghị khen thưởng và được khen thưởng. Mai Linh cũng nằm trong số các doanh nghiệp được đề nghị chính phủ khen thưởng do có đóng góp sức người sức của, trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch nhưng rất tiếc lại không được duyệt. Như chia sẻ của Chủ tịch Hồ Huy, lý do của việc không được tặng huân chương nó chẳng liên quan gì đến thành tích chống dịch của tập đoàn. Như bao doanh nghiệp gặp khó khăn khác trong kinh doanh do các lý do khách quan, tập đoàn Mai Linh được hưởng chính sách giãn thuế. Đây là một chính sách rất nhân văn của Chính phủ cho các doanh nghiệp và Mai Linh là một trong những doanh nghiệp được thụ hưởng nó nhưng chính vì điều đó lại khiến tập đoàn không được nhận huân chương vì những đóng góp thực tế của mình.
Với ông Hồ Huy, đó là điều khiến ông tiếc nuối. Không phải vì cá nhân ông. Với ông, có vinh quang nào, có tưởng thưởng nào chưa nếm trải qua. Ông tiếc nuối và thương các cộng sự, các tài xế đã chấp nhận hiểm nguy để dấn thân, họ xứng đáng để được Chính phủ ghi nhận công lao, cống hiến.
Gác chuyện dịch bệnh qua một bên, Chủ tịch Mai Linh hồ hởi chia sẻ với tôi về những phương hướng kinh doanh mới của tập đoàn. Thử thách vẫn còn đó rất nhiều nhưng cơ hội thì cũng không thiếu, với những ai biết nắm bắt. Với những tiềm lực có sẵn, từ đội ngũ xe, nhân lực, bến bãi, kinh nghiệm thị trường, Mai Linh đang mở ra những hướng kinh doanh mới với nhiều lạc quan, tin tưởng.
Ông Hồ Huy chia sẻ, Mai Linh đang khởi nghiệp lại, một sự chuyển mình sau đại dịch. Mong rằng chính phủ sẽ có những hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nhất là tiếp cận nguồn vốn, mở ra các chính sách để các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, vực dậy kinh doanh sản xuất. Với một doanh nghiệp vận tải như Mai Linh, việc nhận diện thương hiệu là điều rất quan trọng nhưng hiện nay với luật mới không còn quy định màu sơn xe là một nhận diện thương hiệu đã dẫn đến những nhập nhằng không đáng giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính với xe lậu, xe dù. Điều đó không chỉ là thiệt thòi cho doanh nghiệp mà còn cho khách hàng.
Mai Linh cũng mong việc quản lý nhà nước phải đồng bộ, không phân biệt giữa các doanh nghiệp. Cùng là vận tải hành khách thì taxi truyền thống hay taxi công nghệ đều phải chịu mức áp thuế như nhau. Các xe tham gia vận chuyển hành khách dù với tư cách cá nhân nhưng khi đã vào các hợp tác xã, vào công ty thì phải được coi là của hợp tác xã, của công ty để chịu thuế thì nhà nước mới tránh được việc thất thu thuế cũng như tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
“Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng chúng tôi tin tưởng với đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và nội lực của doanh nghiệp, không chỉ Mai Linh mà nhiều doanh nghiệp khác sẽ sớm vực dậy, khởi sắc và thành công trong bước đường kinh doanh sắp tới” - Chủ tịch tập đoàn Mai Linh - Doanh nhân Hồ Huy khẳng định trước khi kết thúc cuộc trò chuyện. Và tôi cũng tin là như thế.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm