Thị trường hàng hóa
Việc xuất khẩu chính ngạch quả sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là tin vui đối với người trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Theo đó, ngay khi thông tin Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được công bố, rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trồng sầu riêng đều tin tưởng đây sẽ là “cú huých” để họ thúc đẩy xuất khẩu loại quả này trong thời gian tới.
Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) chia sẻ, mặc dù hoạt động xuất khẩu chưa thể thực hiện ngay vì còn vướng nhiều quy định từ phía Trung Quốc, nhưng ngay từ bây giờ một tương lai sáng đã mở ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu loại quả này.
Theo bà Vy, Trung Quốc từ lâu đã là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nói chung và quả sầu riêng nói riêng. Trước khi có Nghị định thư này, quả sầu riêng chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao đồng nghĩa lợi nhuận cũng sẽ ít hơn khi xuất khẩu chính ngạch.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Thúy Nga - Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Xuân Định (Đồng Nai) cho biết, ngay từ khi biết được thông tin về việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc các xã viên của Hợp tác xã đã rất phấn khởi. Trong suốt thời gian qua, vấn đề đầu ra đối với quả sầu riêng luôn là nỗi lo của Hợp tác xã. Bởi không nhiều thị trường nhập khẩu loại quả này, và để xuất khẩu được cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe mà từng thị trường đề ra.
“Xuất tươi không hết, chúng tôi phải tách múi ra rồi bảo quản trong các kho lạnh, chi phí sản xuất cũng vì thế mà tăng lên”, bà Nga nói.
Bà Thúy Nga chia sẻ, ngay sau khi Nghị định thư này được ký kết, Hợp tác xã sầu riêng Xuân Định đã nhận được những cuộc gọi từ đối tác nhập khẩu bên phía Trung Quốc nói về vấn đề hợp tác.
Lợi ích đã được chỉ rõ, nhưng để đạt được những kết quả tốt đẹp còn cả một quá trình mà người trồng và xuất khẩu sầu riêng cũng như các Bộ, ngành của Việt Nam phải giải quyết.
Theo đó, vấn đề đầu tiên là tiêu chuẩn sản phẩm sẽ được nâng lên. Từ lâu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn tư tưởng thị trường Trung Quốc không đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng. Tuy vậy ở thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc cũng đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Với riêng rau, quả Việt Nam muốn xuất khẩu sang Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đều phải đạt những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nghĩa là phải trồng theo tiêu chuẩn Global GAP hoặc Ogranic.
Trong Nghị định thư vừa được ký đã chỉ rõ, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Trong khi đó, ở Việt Nam, không nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc. Để được cấp mã vùng trồng cũng là cả một quá trình dài hơi nếu nhìn lại cách thức trồng sầu riêng ở nước ta hiện nay. Ngoài ra vấn đề xây dựng thương hiệu để cạnh tranh được với Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức không nhỏ. Với Thái Lan và Malaysia, việc xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đã diễn ra từ lâu, nghĩa là thị phần của 2 nước này tại thị trường đông dân nhất thế giới đã được đảm bảo. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh.
“Thị trường Trung Quốc bây giờ đã thay đổi rất nhiều, và cuộc chơi chính ngạch đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định, xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại ở thị trường này”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nga cho rằng nỗi lo lớn nhất là làm thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng mà phía Trung Quốc yêu cầu. Hiện tại, hợp tác xã này đang xúc tiến xin mã vùng trồng, đầu tư lại kho bảo quản và hơn hết là có những buổi làm việc với các xã viên, vận động xã viên trồng theo tiêu chuẩn an toàn để có thể đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng mà phía Trung Quốc đề ra.
Bà Nga nhấn mạnh, việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng dù khó nhưng vẫn làm được. Nhưng trong quá trình xuất khẩu có những đơn vị trung gian thu mua sản phẩm từ nhiều nơi không có mã vùng trồng sau đó trà trộn vào các lô hàng được trồng theo tiêu chuẩn đúng chất lượng. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện một sản phẩm không đạt sẽ ảnh hưởng đến cả một vùng, dù cho vùng đó không làm sai. Do đó, bà Nga cho rằng cần có những giải pháp kiểm tra sát sao từ cơ quan có thẩm quyền, hơn hết là sự tự giác của các doanh nghiệp Việt.
Sau 4 năm đàm phán, ngày 11/7/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc. Nghị định thư sẽ được gửi cho phía Tổng cục Hải quan Trung quốc để thực hiện công bố trên website của Tổng cục Hải quan, cùng với danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu... |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm