Thị trường hàng hóa
Chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo độ biến động giá bán của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trên thị trường, đã tăng 0,2% trong tháng 10, thấp hơn mức tăng 0,4% mà giới phân tích dự báo trước đó.
Chứng khoán Mỹ bật tăng sau thông tin trên, phản ánh niềm tin của thị trường rằng lạm phát đã hạ nhiệt. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 56,22 điểm, tương đương tăng 0,71%, đạt 33.592,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87%, đạt 3.991,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,45%, đạt 11.358,41 điểm.
Mike Loewengart, trưởng bộ phận xây dựng danh mục đầu tư mô hình tại Văn phòng Đầu tư Toàn cầu của Morgan Stanley cho biết: “Chỉ số PPI chắc chắn sẽ tiếp thêm hy vọng rằng cuối cùng lạm phát đã hạ nhiệt”.
Hy vọng lạm phát hạ nhiệt đã dâng cao trong tuần trước khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng yếu hơn dự báo. Cụ thể, chỉ số CPI tăng 7.7% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 9% hồi tháng 6/2022.
Lạm phát đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch do chuỗi cung ứng không thể theo kịp nhu cầu quá nóng đối với các mặt hàng có giá trị lớn trong thời gian dài, đặc biệt là những mặt hàng phụ thuộc vào chất bán dẫn. Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng lạm phát ít nhất đã qua đỉnh, mặc dù có rất nhiều rủi ro sắp xảy ra, bao gồm cả một cuộc đình công đường sắt tiềm ẩn có thể gây áp lực mới cho chuỗi cung ứng.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất với hy vọng giảm lạm phát. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất cho vay chuẩn sáu lần trong năm với tổng số 3,75 điểm phần trăm, mức cao nhất trong 14 năm.
Các nhà phân tích dự đoán khoảng 80% khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào tháng 12, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm sau bốn lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp. Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cho biết Fed có thể sẽ cân nhắc hơn khi theo dõi tác động của việc tăng lãi suất.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm