Thị trường hàng hóa
Rời bỏ quê hương vì xung đột triền miên
Xung đột giữa phiến quân M23 và lực lượng dân quân trung thành với chính phủ Cộng hoà Dân chủ Congo (DRC) đã gia tăng ở tỉnh phía Đông Bắc Kivu kể từ đầu tháng 10, đặc biệt là phía Bắc thủ phủ tỉnh Goma. Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc (IOM) cho biết, nhiều người đã rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn ở trong biên giới DRC rất cần sự giúp đỡ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ.
Trong một tuyên bố, IOM cho biết: “IOM đang tăng cường nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng phức tạp và dai dẳng ở DRC khi số người di tản trong nước tăng lên 6,9 triệu người trên khắp đất nước - con số cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay”.
“Với xung đột đang diễn ra và bạo lực leo thang, DRC đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo và di tản nội bộ lớn nhất trên thế giới”.
M23, lực lượng đã chiếm được các vùng lãnh thổ ở phía Đông kể từ năm 2021, là một trong số các lực lượng dân quân đang nắm quyền kiểm soát phần lớn khu vực, bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
IOM cho biết, tính đến tháng 10/2023, khoảng 5,6 triệu người phải di dời trong nước đang sống ở các tỉnh phía Đông Bắc Kivu, Nam Kivu, Ituri và Tanganyika. “Xung đột là lý do chính dẫn đến việc di dời”, tổ chức này cho biết. Ở Bắc Kivu có tới một triệu người phải di dời do xung đột đang diễn ra giữa Chính phủ và M23.
Sống cùng những cơn bão khủng hoảng
Các chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc, Chính phủ Kinshasa và một số quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ và Pháp cáo buộc Rwanda ủng hộ M23 do nhóm người Tutsi lãnh đạo, nhưng Rwanda phủ nhận. IOM cho biết: “Khi tình hình an ninh, đặc biệt là ở Bắc Kivu và Ituri tiếp tục xấu đi, các hoạt động di chuyển trở nên thường xuyên hơn và nhu cầu nhân đạo tăng cao”. Cơ quan nhân đạo OCHA của Liên hợp quốc cho biết, gần 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa vì giao tranh kể từ ngày 1/10 tại lãnh thổ Rutshuru và Masisi, phía Bắc Goma, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền đông DRC.
Fabien Sambussy, trưởng phái đoàn DRC của IOM, cho biết: “Trong nhiều thập kỷ, người dân Congo đã phải sống với những cơn bão khủng hoảng”.
"Sự leo thang gần đây nhất của cuộc xung đột đã khiến nhiều người phải rời bỏ quê hương trong thời gian ngắn hơn, điều hiếm thấy trước đây. Chúng tôi cần khẩn trương giúp đỡ những người cần giúp đỡ nhất". IOM cho biết, ngoài cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn ở phía Đông, các khu vực khác còn phải hứng chịu xung đột, mất an ninh và các thảm họa như lũ lụt, lở đất.
Theo IOM, khả năng tiếp cận nhân đạo bị hạn chế và có những lo ngại về an ninh. Hơn 2/3 số người di dời trong nước DRC sống với các gia đình bản xứ. Hiện IOM tham gia quản lý 78 địa điểm sống tạm với hơn 280.000 người di cư và đang tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho những người dân đang gặp khó khăn về tâm lý.
“Nhưng còn nhiều người hơn nữa đang rất cần sự hỗ trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ”, tổ chức này cho biết.
IOM chỉ nhận được 37 triệu USD trong số 100 triệu USD mà tổ chức này kêu gọi cho các hoạt động của mình tại DRC. Tổ chức này mong muốn "Tăng cường các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tình trạng di dời nội bộ kéo dài và lặp đi lặp lại".
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã có mặt tại DRC từ năm 1999. Được biết đến với cái tên MONUSCO, sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại DRC là một trong những sứ mệnh lớn nhất và tốn kém nhất trên thế giới, với ngân sách hàng năm khoảng 1 tỷ USD.
Nhưng lực lượng này không được ủng hộ do nhiều người cho rằng, lực lượng này đã thất bại trong việc kiềm chế bạo lực và Chính phủ nước này cũng muốn MONUSCO rời khỏi đất nước họ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm