Thị trường hàng hóa
Blockchain là một dạng công nghệ lưu trữ và truyền tải dữ liệu dựa trên việc sử dụng mã hóa. Tính minh bạch trong chia sẻ dữ liệu là lý do thúc đẩy các quốc gia và ngành tài chính, hậu cần, bán lẻ đầu tư mạnh vào ứng dụng số.
Với sự gia tăng ứng dụng công nghệ Blockchain và chuyển đổi kỹ thuật số quy mô lớn và nhanh chóng, Việt Nam cho thấy tiềm năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Hứa hẹn trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghệ lớn của thế giới. Các chuyên gia ước tính đến năm 2030, Blockchain sẽ tạo ra 40 triệu việc làm và 10-20% cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước sẽ hoạt động trên hệ thống hỗ trợ Blockchain.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Nội vụ chính thức phê duyệt và cho phép thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam – nơi quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain trên khắp Việt Nam. Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tập trung vào hợp tác quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, chuyển giao và đánh giá chính sách liên quan đến Blockchain với các hiệp hội, cơ quan, ngành nghề chuyên môn khác.
Phát biểu tại một sự kiện về công nghệ Blockchain gần đây, đại diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết Chính phủ Việt Nam ban hành các chính sách hỗ trợ về phát triển và chuyển đổi kỹ thuật số, luôn khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới vào cuộc sống hàng ngày. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam có thể là một trung tâm của các dự án Blockchain trong tương lai không xa.
Điều quan trọng là phải tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho Blockchain và tối ưu hóa các nguồn lực. Ngoài ra, khung pháp lý về huy động vốn quốc tế cũng cần được điều chỉnh lại nhằm hỗ trợ tối đa các công ty khởi nghiệp.
Huy Nguyễn, đồng sáng lập kiêm CEO Kardia Chain, cho biết: "Tất cả các nước đều có cùng xuất phát điểm. Vì thế, Việt Nam có cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng, sánh vai cùng các quốc gia khác, nếu chúng ta có chiến lược, quy trình đào tạo và hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tận dụng nguồn lực từ nước ngoài, giúp gia tăng nhu cầu trên thị trường, thu hút đầu tư vào doanh nghiệp".
Việt Nam là một trong năm quốc gia dẫn đầu về Blockchain. Trong lĩnh vực số hóa, có khoảng 10 công ty khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam sở hữu vốn hóa trên 100 triệu USD. Trong số 200 công ty hàng đầu phát triển dựa trên công nghệ Blockchain, có tới 7 công ty do người Việt sáng lập.
Trước đây, các ứng dụng Blockchain tập trung chủ yếu ở mảng tài chính. Tuy nhiên, một thống kê của CB Insights cho biết đến năm 2021, mảng tài chính chỉ chiếm 40%, còn lại là các công ty về KYC, nông nghiệp, giải trí. Việc các dự án xuất hiện ngày càng nhiều cũng kéo theo thách thức lớn về thiếu hụt nhân sự.
Nhận thấy vấn đề đó, các quốc gia trên thế giới đang thiết lập các chính sách và luật pháp cho công nghệ này. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) mới đây đã công bố kế hoạch phát hành đồng Rupiah kỹ thuật số.
Đồng tiền mới này là loại tiền pháp định duy nhất được sử dụng cho các giao dịch kỹ thuật số. BI khẳng định sẽ kiểm soát loại tiền kỹ thuật số này và có thể tăng hoặc giảm nguồn cung để phù hợp với các mục tiêu kinh tế của Indonesia. Dự kiến đồng Rupiah số sẽ được BI cho ra mắt vào cuối năm 2022.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm