Thị trường hàng hóa
Người dân tập trung sử dụng các nền tảng số có sẵn, còn các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đi từng ngõ, gõ từng nhà để giúp người dân lên môi trường số.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT ngày 12/9, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chủ trương đường lối CĐS đến cách làm khá rõ. Theo đó, có thể gọi đây là cuộc cách mạng toàn dân về CĐS. "Muốn làm một việc lớn, lâu dài thì đường lối, lý luận phải rõ. Lý luận về con đường CĐS Việt Nam đang ngày càng rõ".
Bộ trưởng quán triệt một số nội dung quan trọng liên quan đến CĐS Việt Nam, đó là phải phân biệt sự khác nhau giữa công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS. "CĐS là chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp (DN) sang khách hàng".
Theo Bộ trưởng, CNTT thường mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn, phục vụ cho nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý tức là đối tượng phục vụ là nhà quản lý. Nhưng CĐS mang lại giá trị cho người dùng cuối nên phải lấy người dùng làm trung tâm, làm ra các sản phẩm cụ thể để người dùng có thể thấy được hiệu quả.
Tiếp theo, CĐS là phải chuyển từ chi phí sang tạo ra lợi ích và giá trị. Trước đây chỉ thấy giá trị dự án thì CĐS phải đo lường được các giá trị ấy để thấy được hiệu quả. Nếu gặp các giá trị vô hình thì phải lượng hóa chúng.
Thứ ba, cần chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng dùng chung. Nền tảng số đơn giản tới mức không cần qua quá trình đào tạo nữa. Các bộ, ngành địa phương khi làm cái gì về CNTT cũng cần lưu ý cái này có làm theo dạng nền tảng được không.
Thứ tư, chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc. "CNTT như một cung cụ tự động hóa, làm việc cũ với cách cũ, công cụ mới nhưng CĐS thì xuất phát từ việc người đứng đầu muốn thay đổi muốn làm cái gì".
Thứ năm, theo Bộ trưởng, chuyển từ cách làm đơn thuần sang cách làm toàn diện. Do đó, "CĐS hãy đặt mục tiêu 100% và tìm ra cách làm. Như vậy, mới có thể tạo ra giá trị, chuyển trọng tâm từ giám đốc CNTT sang người đứng đầu. Đây là một cái khó".
Thứ sáu, cần chuyển từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây. "Xu hướng này đã có chục năm rồi và phải triệt để vấn đề này. Đẩy nhanh lên đám mây là một trong những cách thúc đẩy CĐS".
Thứ bảy, chuyển từ đầu tư sang thuê, chuyển sang thuê nhiều hơn chứ không phải bỏ đầu tư.
Thứ tám, chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ.
Thứ chín, chuyển trọng tâm từ tổ chuyên gia sang tổ dịch vụ cộng đồng. Hiện nay, theo Bộ trưởng, "hầu như mọi thứ đều đã có sẵn. Do đó, việc hướng dẫn dùng quan trọng hơn việc làm ra nó, đó là vì sao phải tập trung chuyển sang tổ CNSCĐ".
Hiện nay, cũng theo Bộ trưởng, nhiều công ty có ít người, cần phải làm ra các phần mềm hết sức đặc biệt. Do đó, tổ CNSCĐ hoạt động giới thiệu để làm cho các công ty nhỏ có thể sống được. Đây chính là nhóm thúc đẩy sự sáng tạo Việt Nam vô cùng lớn bởi nếu không có tổ CNSCĐ thì các công ty nhỏ có rất ít cơ hội để phát triển.
Thứ mười, theo Bộ trưởng, chuyển trọng tâm từ làm cái nào sang làm cái gì. "Chúng ta phải tư duy ngược, cần tư duy theo cách một người dùng, sau đó đi đặt hàng. Chuyển từ hệ thống CNTT sang môi trường làm việc số, tư duy làm việc, tương tác ở trên đó. Khái niệm môi trường làm việc số rộng lớn hơn hệ thống CNTT. Chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa".
Cũng theo Bộ trưởng, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang đến nỗi lo sợ thất nghiệp, mất nghề. CĐS đặt vấn đề khác, ai làm gì cứ làm việc đó, nhờ công nghệ số mà thông minh hơn tạo ra nhiều giá trị hơn.
Bộ trưởng cũng cho rằng: "cần chuyển từ dữ liệu tổ chức sang dữ liệu người dùng bởi đây cơ bản phát sinh không có cấu trúc, không được định nghĩa nên có thể tạo ra các giá trị mới. Dữ liệu là yếu tố đầu vào cho sản xuất là dữ liệu phi cấu trúc là chủ yếu".
"CĐS bao gồm CNTT cộng với số hóa toàn diện + dữ liệu + đổi mới sáng tạo + các công nghệ số khác nữa", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ TT&TT, thực tế triển khai CĐS thời gian vừa qua cho thấy CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân CĐS, trong đó có sáng kiến thành lập "tổ CNSCĐ", điển hình mô hình triển khai thành công của Lạng Sơn khi đã thành lập tổ CNSCĐ tại 11/11 huyện, 200/200 xã với hơn 1.700 tổ và 7.887 thành viên tham gia. Tổ CNSCĐ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Trên cơ sở thực tế triển khai, Cục CĐS quốc gia (trước đây là Cục Tin học hóa) - Bộ TT&TT đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành một số văn bản quan trọng để triển khai tổ CNSCĐ tại các địa phương, tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng tập huấn, tuyên truyền, xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu phổ cập kỹ năng và tổ chức các khóa học trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOC) để tổ CNSCĐ triển khai tại các địa phương.
Về hoạt động tổ CNSCĐ tại các địa phương, ngày 18/3/2022, Cục CĐS quốc gia đã thành lập 06 nhóm Zalo để hằng ngày đôn đốc, giải đáp thường xuyên những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ những địa phương làm tốt về công tác triển khai tổ CNSCĐ của đầu mối 63 tỉnh, thành phố. Đầu mối 63 tỉnh, thành phố tiếp tục lan tỏa và truyền tải đến các thành viên CNSCĐ tại địa phương mình cùng phổ biến, tuyên truyền, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về các tải liệu được Bộ TT&TT hướng dẫn. Đến nay, đã có 52/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 48.538 tổ CNSCĐ với 225.417 thành viên tham gia cấp xã, thôn, phố./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm