Thị trường hàng hóa
Đám mây đề cập đến một hệ thống lưu trữ dữ liệu điện tử cho phép truy cập theo yêu cầu qua Internet. Bằng cách sử dụng đám mây, người dùng không còn phải lưu trữ dữ liệu trên hệ thống lưu trữ cục bộ và có thể chuyển hầu hết các giải pháp bảo mật cũng như các giải pháp khác cho nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Điều này mang lại những lợi ích đáng kể trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động và giảm chi phí.
Do đó, các bộ, ban, ngành, các cơ quan thuộc chính phủ Nhật Bản nỗ lực chuyển toàn bộ dữ liệu sang các dịch vụ đám mây của chính phủ vào năm tài chính 2025. Khi đó, các bộ và cơ quan chính phủ cũng như các chính quyền địa phương của Nhật Bản có thể quản lý dữ liệu của riêng họ trên đám mây chính phủ.
Tuy nhiên, theo một khảo sát của tờ Yomiuri Shimbun (tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật), khoảng 30% trong số 121 chính quyền địa phương sẽ không thể chuyển đổi hoàn toàn hệ thống dữ liệu của họ sang dịch vụ đám mây của chính phủ vào cuối năm tài chính 2025 - năm mục tiêu của chính phủ. Nguyên nhân là do việc chuyển đổi tốn nhiều thời gian và thiếu nhân sự am hiểu về kỹ thuật số. Hơn nữa, yêu cầu chi phí lại cao, một số chính quyền thành phố cảm thấy đây là một áp lực và họ cần có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ.
Kế hoạch chuyển sang dịch vụ đám mây của chính phủ bao gồm việc chuyển thông tin cư dân hiện đang được lưu trữ tại hơn 1.700 chính quyền địa phương trên toàn quốc sang cơ sở hạ tầnt số chung để sử dụng ở cấp quốc gia và địa phương. Thông qua việc tích hợp hệ thống và vận hành chung, dự kiến sẽ giúp chính phủ cải thiện hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí.
Trong số các hoạt động của chính quyền địa phương Nhật Bản với tổng cộng 20 lĩnh vực, bao gồm đăng ký cư trú và danh sách những người nhận lương hưu đã được chỉ định chuyển đổi sang đám mây tập trung của chính phủ.
Vào năm 2021, chính quyền trung ương yêu cầu chính quyền địa phương điều chỉnh các thông số kỹ thuật của dữ liệu và hệ thống vận hành do mỗi địa phương quản lý. Cho đến nay, thông tin của người dân được mỗi chính quyền địa phương quản lý riêng. Kế hoạch của chính phủ là sẽ chuyển các hệ thống địa phương này sang đám mây của chính phủ vào tháng 3/2026. Điều này buộc chính quyền địa phương phải nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.
Khi được hỏi liệu họ có kế hoạch chuyển đổi sang đám mây chính phủ hay không, 90% trong số 121 chính quyền địa phương cho biết họ sẽ làm như vậy, trong khi 9 thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm Fukui, Kitakyushu và Phường Minato của Tokyo cho biết họ vẫn chưa quyết định.
Chính quyền thành phố Fukui giải thích rằng hệ thống hiện tại sẽ ít tốn kém hơn, trong khi văn phòng phường Minato trả lời rằng họ dự định xem xét vấn đề một cách cẩn thận, xem xét chi phí, hiệu suất và rủi ro trước khi quyết định.
Về thời gian chuyển đổi, 38 chính quyền địa phương trong đó có Saitama, Yokohama và Kobe cho biết họ sẽ không thể hoàn tất việc di chuyển vào cuối năm tài chính 2025. Chính quyền tỉnh Oita cho biết sẽ rất khó khăn để di chuyển trong thời gian ngắn như vậy. Trong khi đó, chính quyền thành phố Osaka giải thích rằng công việc di chuyển sẽ bị chậm lại.
Những thách thức mà chính quyền địa phương phải đối mặt là gắn nặng về tài chính (ở 92 chính quyền), tiếp theo là khối lượng công việc quá lớn (64 chính quyền) và khó khăn trong việc tuyển dụng các chuyên gia kỹ thuật số (45 chính quyền).
Về chi phí chuyển đổi, hiệp hội các thị trưởng thành phố cốt lõi (core cities) đã khảo sát tất cả 62 thành phố cốt lõi trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 và lưu ý rằng tổng chi phí cho việc di chuyển sẽ cao gấp 5 lần so với mức trần trợ cấp quốc gia cho các thành phố này, với mức thiếu hụt trung bình là 1,48 tỷ yên cho mỗi đô thị. Hiệp hội Thị trưởng các thành phố cũng kêu gọi thêm nguồn hỗ trợ tài chính, cho rằng tổng chi phí sẽ cao hơn khoảng 3 đến 16 lần so với mức trần cho mỗi chính quyền địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu, chính phủ có kế hoạch tăng trợ cấp và đã đưa 516,3 tỷ yên vào ngân sách bổ sung năm tài chính 2023. Chính phủ cũng đã quyết định nới lỏng thời hạn chuyển đổi nếu chính quyền địa phương không thể đáp ứng do thiếu chuyên gia có kỹ năng số.
Trước việc Sakura Internet Inc., một công ty có trụ sở tại Osaka được chọn làm nhà cung cấp đám mây đầu tiên của chính phủ Nhật Bản cùng với bốn công ty lớn của Hoa Kỳ là Amazon.com Inc., Google LLC, Microsoft Corp. và Oracle Corp thì 31/121 (tương đương 26%) chính quyền địa phương được khảo sát cho biết họ “quan ngại” hoặc “phần nào lo ngại” về việc các nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở nước ngoài quản lý đám mây chính phủ.
Các lý do gây quan ngại bao gồm “việc xử lý thông tin trong trường hợp nhà cung cấp nước ngoài rút khỏi Nhật Bản” và “phí sử dụng tăng đột biến do biến động tỷ giá hối đoái”. Một chuyên gia cho biết: “Phát triển dịch vụ đám mây trong nước là vấn đề cấp bách”.
Văn phòng phường Katsushika của Tokyo và nhiều nơi khác cho biết: “Từ góc độ an ninh kinh tế thì các dịch vụ đám mây trong nước là điều đáng mong đợi”.
Ryoji Mori, một luật sư về những vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân cho biết: “1/4 chính quyền địa phương bày tỏ lo ngại, đây là một con số lớn. Những lo ngại của chính quyền địa phương không phải là không có căn cứ và cũng không nên đánh giá thấp. Trên bình diện quốc tế, chủ quyền dữ liệu đang trở thành một ý tưởng chủ đạo và chính phủ Nhật Bản nên nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong nước”.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm