Thị trường hàng hóa
Trong đó, các nước khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến mức nhiệt cao lịch sử trong tuần này. Lào lần đầu tiên có nhiệt độ kỷ lục 42,7 độ C ghi nhận tại thành phố du lịch Luang Prabang hôm 18/4, vượt qua kỷ lục cũ 42,3 độ C ghi nhận tại Seno hồi tháng 4/2016.
Nước láng giềng Thái Lan cũng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt tương tự. Nhà sử học thời tiết nổi tiếng Maximiliano Herrera sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Thái Lan xác nhận nước này đã lần đầu tiên trong lịch sử có một nơi chạm ngưỡng 45 độ C vào cuối tuần qua. Cụ thể là thành phố Tak ở phía Tây Bắc Thái Lan ghi nhận mức nhiệt chưa từng có 45,4 độ C hôm 15/4.
Nền nhiệt tăng cao đã duy trì tại Thái Lan suốt từ cuối tháng 3 đến nay và đạt ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe, khiến chính phủ nước này phải phát cảnh báo tới người dân nhiều tỉnh thành, bao gồm thủ đô Bangkok, nơi được dự báo có nơi sẽ có thể đạt mức nhiệt tới 52,3 độ C.
Tình hình nhiệt độ tại một số nơi của Thái Lan còn trở nên căng thẳng hơn do kết hợp với điều kiện sương mù và ô nhiễm không khí nặng nề. Thành phố du lịch nổi tiếng Chiang Mai của nước này được xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới trong suốt 7 ngày liên tiếp trong tháng 4, do nắng nóng dữ dội và những đám cháy rừng lan rộng.
Myanmar và Trung Quốc cũng đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, như thị trấn Kelewa của Myanmar chạm mức kỷ lục 44 độ C hôm 17/4. Còn thành phố Nguyên Dương ở Trung Quốc đạt 42,4 độ C hôm 18/4 và chỉ còn thấp hơn kỷ lục nhiệt độ toàn quốc trong tháng 4 là 0,3 độ C. Có 12 tỉnh của Trung Quốc đã ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ tháng 4 cao nhất trong suốt nhiều năm.
Tại Nam Á, nắng nóng cũng đang hoành hành nghiêm trọng dẫn đến chết người tại Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh, khi đồng loạt có nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Tại bang Odisha phía Đông Ấn Độ ghi nhận mức nhiệt cao nhất là 44,2 độ C hôm 18/4. Một bang khác là Maharashtra cùng ngày thông báo có ít nhất 13 người chết vì sốc nhiệt.
Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) công bố hôm 19/4 cho thấy, các đợt nắng nóng khắc nghiệt đang khiến hầu hết người dân Ấn Độ rơi vào tình trạng dễ tổn thương, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đã đến lúc các chuyên gia khí hậu và các nhà hoạch định chính sách cần đánh giá lại mức độ ảnh hưởng của khí hậu đối với kinh tế Ấn Độ.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, khi cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra ngày càng trầm trọng như hiện nay sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng và các đợt sóng nhiệt bất thường sẽ ngày càng trở nên bình thường hơn. Nhóm nghiên cứu Đại học Havard nhận định, các đợt sóng nhiệt nguy hiểm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn gấp 10 lần so với hiện nay vào thời điểm năm 2100.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra khu vực châu Á sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của kiểu thời tiết nắng nóng cực đoan, do người dân phải tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm vào hầu hết các ngày trong năm.
Đây là dấu hiệu mới buộc thế giới phải hành động và tiến hành chuyển đổi năng lượng trước khi quá muộn như Liên Hợp Quốc đang cảnh báo và kêu gọi.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm