Thị trường hàng hóa
Dù các công ty công nghệ đang sa thải nhân viên hàng loạt, lĩnh vực này được dự đoán sẽ tiếp tục mở rộng vào năm 2023.
Năm 2019, chị Garima Dhir, sống tại Ấn Độ, đăng ký cho con trai học tiếng Anh trực tuyến trên trang web Planet Spark vì bà mẹ muốn con làm quen với công nghệ từ nhỏ.
Dù tương tác trực tuyến, cậu bé vẫn cảm thấy thích thú khi được học tiếng Anh bằng nhiều giác quan cùng âm thanh, hình ảnh sinh động. Đặc biệt, em không gặp áp lực học tập hay điểm số khi học trực tuyến.
Còn Akshat Mugad, 16 tuổi, đã bắt đầu tự học thông qua trang web học trực tuyến lớn nhất thế giới Byju’s, trụ sở tại bang Bangalore, Ấn Độ, vào năm 2021. Từ khi học thêm trên trang web này, điểm số của Akshat dần được cải thiện và giúp em tăng động lực học tập.
Planet Spark hay Byju’s chỉ hai trong số hàng trăm công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục (EdTech) tại Ấn Độ với mục tiêu giúp trẻ em học tập và làm quen công nghệ từ rất sớm. Trong xu hướng chung, các nền tảng công nghệ giáo dục đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.
Sau 2 năm dịch Covid-19, các chuyên gia nhìn nhận công nghệ giáo dục không chỉ là xu hướng nhất thời, mà là một thực tế giáo dục, có sức tăng trưởng phi thường và tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Dự kiến lĩnh vực này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lẫn chất lượng trong những năm tiếp theo.
Theo đó, công nghệ giáo dục là quá trình chuyển đổi việc dạy học truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số. Dạy và học trực tuyến là một ví dụ của lĩnh vực này.
Ước tính, hiện có hơn 4.450 công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục tại Ấn Độ, hỗ trợ việc dạy và học cho hơn 300 triệu học sinh phổ thông, đại học. Ngành EdTech Ấn Độ có thể dần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa người giàu và người nghèo, mang lại cơ hội học tập và thành công cho mọi người dân nước này.
Hiện nay, các công ty EdTech Ấn Độ đang trao quyền tiếp cận giáo dục cho các cộng đồng khó khăn, yếu thế với sự hỗ trợ từ khu vực công. Chính quyền các bang đã phát triển hệ sinh thái học tập bên ngoài lớp học truyền thống.
Chương trình Chuyển đổi Trường học Chính phủ của bang Odisha là một ví dụ điển hình. Chương trình đang xây dựng cơ sở hạ tầng trường học với công nghệ hiện đại, phòng học kỹ thuật số, phòng học thông minh, thư viện điện tử... cùng nhiều thiết bị công nghệ khác giúp cải thiện quá trình học tập của học sinh.
Không chỉ thay đổi diện mạo trường học, chương trình góp phần xây dựng niềm tin cho học sinh, nhất là học sinh vùng nông thôn, vùng khó khăn, vào giáo dục và cơ hội đổi đời từ giáo dục. Tính đến tháng 6/2022, khoảng 1.000 trường học tại bang Odisha đang được chính quyền bang phân bổ nguồn kinh phí thực hiện chương trình với sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục.
Còn tại một trường phổ thông ở Mumbai, giáo viên Pooja Prashant Sankhe đang ứng dụng công nghệ một cách sáng tạo để thay đổi phương pháp giảng dạy, trong đó khuyến khích học sinh làm chủ tiết học.
Cô giáo giấu một chiếc loa Amazon Echo phía sau một con gấu bông và đặt nó lên bàn giáo viên, hướng về phía học sinh. Chiếc loa được cài đặt tính năng trợ lý ảo Alexa, có thể nhận diện giọng nói, trả lời và hành động theo yêu cầu của người nói.
Bước vào lớp học, cô Pooja hướng về phía con gấu và hỏi: “Alexa, có bao nhiêu bang ở Ấn Độ?” để bắt đầu bài học và tăng sự hứng thú cho học sinh. Ngoài ra, chiếc loa cũng phát quốc ca hay các bài hát phục vụ mục đích học tập và hoạt động ngoại khóa trong lớp học.
“Các em học sinh hào hứng đặt câu hỏi cho gấu bông. Nhiều em đi học thường xuyên hơn nhờ có Alexa”, cô giáo Pooja nói và cho hay việc ứng dụng công nghệ giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại trường.
Sự bùng nổ của EdTech đã thay đổi cách học của trẻ em Ấn Độ và đưa ngành Giáo dục bước ra thế giới. Điều này cũng góp phần khẳng định lĩnh vực công nghiệp công nghệ giáo dục đã và đang phát triển phi mã tại châu Á.
Sau dịch Covid-19, một quốc gia cũng cho thấy tiềm năng phát triển của công nghệ giáo dục là Indonesia. Tại đây, công nghệ giáo dục không chỉ nâng cao trải nghiệm học tập của học sinh, mà còn giúp hàng triệu người lao động tìm việc làm hiệu quả.
Theo báo cáo mới đây, khoảng 22% thanh niên Indonesia không học hành, không việc làm hoặc kỹ năng nghề nghiệp, dù trong số đó, 6% có trình độ đại học. Thanh niên thất nghiệp đang là thách thức lớn của quốc gia Đông Nam Á này.
Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Indonesia đã triển khai Kartu Prakerja, chương trình học tập kỹ thuật số dành cho người lớn. Đối tượng mà chương trình hướng đến là người dân từ 18 đến 64 tuổi thất nghiệp hoặc thu nhập thấp.
Sau khi trả 67 USD (khoảng 1,5 triệu đồng), người đăng ký sẽ được kết nối với các khóa học từ 156 tổ chức đào tạo khác nhau trên 6 nền tảng kỹ thuật số. Tại đây, họ được đào tạo theo yêu cầu tìm kiếm việc làm, kinh nghiệm và trình độ hiện tại.
Hoàn thành chương trình đào tạo, người đăng ký được nhận chứng chỉ để xin việc hoặc bắt đầu kinh doanh riêng. Tính đến tháng 11/2022, Kartu Prakerja đã đạt 14 triệu người đăng ký trên 34 tỉnh và 514 thành phố, thị trấn. Trong số đó, 62% sống ở các làng quê và 18% chưa học hết tiểu học.
Sau khi hoàn thành chương trình, 18% người có xác suất được nhận công việc mới cao hơn và 30% có xác suất tự kinh doanh riêng cao hơn. Người học cũng thành thạo việc tìm kiếm và chuẩn bị việc làm.
Trong đó, 172% người tham gia có khả năng sử dụng chứng chỉ đào tạo nhiều hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm. 10% khả năng sử dụng Internet tốt hơn cho công việc. Trung bình, thu nhập hàng tháng của người học tăng 8,2 USD (khoảng 194 nghìn đồng).
Là một trong những quốc gia sở hữu thế mạnh về công nghệ, Hàn Quốc không đứng ngoài xu hướng EdTech. Tại quốc gia coi trọng giáo dục này, công nghệ giáo dục được định giá 10 tỷ USD với nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho việc học tập và thi đại học của học sinh, sinh viên.
Nếu một học sinh phổ thông bối rối trước một bài toán khó, công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Mathpersso có thể “ra tay”. Còn nếu chưa tìm được đáp án cho một bài tập hóc búa, học sinh có thể quét ảnh bài tập qua ứng dụng giáo dục Qanda, do công ty điều hành cùng tên thành lập năm 2015. Được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng này có thể giúp học sinh tìm kiếm câu trả lời trong thời gian ngắn.
Còn Riiid, một công ty công nghệ giáo dục khác lại sử dụng AI để giúp học sinh chuẩn bị cho bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế dành cho người không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong khi đó, Công ty Alux sử dụng robot để dạy học sinh về lập trình.
Các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục tại Hàn Quốc không chỉ cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này, mà còn thể hiện cách khai thác đa dạng, sinh động công nghệ trong mọi khía cạnh của giáo dục. Điều này cũng đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của từng cá nhân trong kỷ nguyên số.
Tương tự Ấn Độ hay Hàn Quốc, công nghệ giáo dục từng phát triển nhanh, mạnh tại Trung Quốc nhưng lĩnh vực này đã đối mặt với khó khăn, thách thức từ năm 2021 khi Trung Quốc ban hành chính sách giáo dục “giảm kép”.
Theo đó, Trung Quốc cấm dạy thêm trực tuyến hoặc dạy gia sư trực tuyến. Các tổ chức dạy thêm trực tuyến phải tái cơ cấu thành các công ty phi lợi nhuận, đồng thời cấm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dạy thêm hoặc công nghệ giáo dục.
Chính phủ Trung Quốc cho biết, chính sách trên nhằm giảm khối lượng bài vở và áp lực cho học sinh; đồng thời, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Chính sách mới được ban hành trong bối cảnh ngành công nghiệp công nghệ giáo dục xuất hiện những “vết đen” như quảng cáo sai sự thật, thổi phồng năng lực của gia sư, gây bất bình đẳng trong giáo dục giữa tầng lớp giàu - nghèo...
Chính vì vậy, trong năm 2022 và dự kiến sang năm 2023, các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục tại Trung Quốc phải thu hẹp quy mô, cơ chế lẫn hình thức hoạt động. Nhiều công ty chuyển sang rót vốn, đầu tư hoặc thành lập tại Ấn Độ - mảnh đất màu mỡ cho EdTech tại châu Á hiện nay.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ngành công nghiệp công nghệ giáo dục sẽ phải đối mặt với khủng hoảng. Theo báo cáo của Morning Context, gã khổng lồ công nghệ giáo dục Byju’s có thể sa thải hơn 12.000 nhân viên vào năm tới.
Nhận định này được nêu ra sau thông báo của Byju’s về việc sa thải 2.500 nhân viên ở tất cả các bộ phận để cắt giảm chi phí trong bối cảnh thua lỗ trầm trọng vào tháng 12/2022.
Đây được cho là một trong những đợt sa thải lớn nhất của một công ty khởi nghiệp lớn. Byju’s cho biết, họ có kế hoạch cắt giảm khoảng 5% trong số 50.000 lực lượng lao động ở các bộ phận bao gồm sản phẩm, nội dung, truyền thông và công nghệ theo từng giai đoạn trong sáu tháng tới.
Trong năm 2022, người lao động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục chiếm gần 45% trong số hơn 15.000 nhân viên bị sa thải trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Ấn Độ. Theo một báo cáo của Inc42, Byju’s là đơn vị sa thải nhiều nhân viên nhất.
Chuyên gia giáo dục Nishant Chandra, đồng sáng lập Trường Newton, Ấn Độ, nhận định trong xu thế phát triển của lĩnh vực công nghệ giáo dục, tình huống trên là phù hợp. Sau quá trình bùng nổ nhờ dịch Covid-19, các công ty công nghệ giáo dục đang tiến hành bình thường hóa nguồn lực, dẫn đến giảm lực lượng lao động do tiêu hao nhân viên từ việc sa thải hoặc xin nghỉ việc.
Theo báo cáo gần đây của Technavio về Thị trường giáo dục trực tuyến, thị trường này tại Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm - Compound Annual Growth Rate) là 21% trong giai đoạn 2020 - 2024 và đạt quy mô 14,33 tỷ USD.
Điều đó cho thấy, triển vọng của công nghệ giáo dục là rất lớn. Chưa kể, nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn tại các quốc gia châu Á chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ giáo dục.
Với việc Internet ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống người dân cùng nhận thức nâng cao của cộng đồng về công nghệ giáo dục, lĩnh vực này sẽ góp phần tạo nên tương lai đầy hứa hẹn cho các công ty EdTech tại Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung.
Năm 2020, ngành công nghiệp công nghệ giáo dục Ấn Độ được định giá 750 triệu USD và dự đoán sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Công nghệ giáo dục đã phát triển một cách phi thường tại Ấn Độ trong vài năm qua, biến nước này trở thành “thủ đô của EdTech”. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm