Thị trường hàng hóa
Trong ngày làm việc thứ hai của hội thảo, với chủ đề “Phát huy giá trị di sản: Thực tiễn kinh nghiệm và định hướng”, nhiều đại biểu bày tỏ tâm huyết với việc phục dựng điện Kính Thiên. Các ý kiến đều xoay quanh vấn đề cần làm ngay điều này để đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học và Nhân dân.
Sau khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới (năm 2010), công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đây được triển khai hiệu quả, đặc biệt là thực hiện 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO.
Đây là tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản trong thời gian tới với trọng tâm là đưa ra phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện; Đặc biệt là thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; Hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045…
Điều này góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, nhất là trên các phương diện kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị để Hoàng Thành Thăng Long mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.
GS, TS Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông cho rằng đây là cơ hội phục dựng điện và không gian điện Kính Thiên. "Đến thời điểm này là phải làm, chúng ta đã có những cơ sở khoa học nhất định, căn bản nhất có thể khẳng định, cấu trúc thành hay vị trí của trung tâm quyền lực cao nhất đã xác định", ông Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng lưu ý trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, cần có sự kết hợp đa ngành, trong đó có các kiến trúc sư chuyên ngành bảo tồn, di sản, kiến trúc và đô thị.
Để tiếp tục quản lý, bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới của Hoàng thành Thăng Long nhằm tiếp tục thực hiện theo 8 cam kết với UNESCO, thay mặt Hiệp hội UNESCO Thành phố Hà Nội, ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội đề xuất ý kiến: Khu di sản gắn với Trung tâm quyền lực quốc gia liên tục qua hàng ngàn năm, tức là có liên quan mật thiết tới các hoạt động của Cung đình - Hoàng gia qua nhiều triều đại.
Vì vậy, chúng ta cần phải có sự tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và từng bước phục dựng, tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể đã từng diễn ra trong không gian văn hóa cung đình đặc trưng ở các thời kỳ như: Sinh hoạt Cung đình, triều nghi, thi cử, lựa chọn nhân tài, các quyết sách lớn ảnh hưởng tới phát triển quốc gia; Lễ hội quảng chiếu và các lễ hội lớn; Thiết triều, lễ Đăng quang, tế Nam Giao, Xã tắc...
Những giá trị di sản văn hóa phi vật thể này là bộ phận quan yếu không thể tách rời, tạo nên giá trị riêng có của Hoàng thành Thăng Long và là nguồn tài nguyên quý giá để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Tiếp tục thực hiện đề án tổng thể về chuyển đổi số để vừa tư liệu hóa di sản, hiện vật, vừa góp phần đưa những giá trị của di tích đến với công chúng được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trước mắt sử dụng công nghệ thông tin hoặc thực tế ảo để hỗ trợ việc diễn giải, thuyết minh di sản và tăng sự thu hút hấp dẫn công chúng và khách tham quan.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu tư liệu lịch sử, khai quật khảo cổ học thì việc khôi phục không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trước mắt là phục dựng dưới dạng bản vẽ, hình ảnh 3D, không gian “hiện thực ảo” bằng công nghệ số với tư cách là phương án gợi mở để trao đổi, thảo luận, phản biện để tiến tới sự đồng thuận trong cộng đồng.
"Mong muốn của Nhân dân Thủ đô Hà Nội là không gian chính Điện Kính thiên và Điện Kính thiên sớm trở thành công trình hiện hữu trong di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long", ông Trương Minh Tiến khẳng định.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm