Thị trường hàng hóa
Trong Chỉ số Bong bóng Bất động sản toàn cầu của UBS, các thành phố có điểm chỉ số trên 1,5 được xem là có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Điểm số từ 0,5-1,5 là nơi có giá bất động sản quá cao. Dưới 0,5 điểm là nơi có giá bất động sản hợp lý.
Nhìn chung, giá nhà tăng vọt trên khắp thế giới trong năm qua. Trong 25 thành phố được phân tích, giá nhà tăng trung bình 10% từ giữa năm 2021 đến giữa năm 2022, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2007.
Cụ thể, Toronto - thành phố lớn nhất Canada đứng đầu bảng xếp hạng của UBS. Một thành phố khác của Canada là Vancouver cũng được xếp vào nhóm có rủi ro bong bóng bất động sản. “Sự mất cân bằng đang ở mức cao ngất ngưởng ở cả hai thành phố được phân tích của Canada”, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý rằng giá nhà tại Vancouver và Toronto đã tăng lần lượt 14% và 17% so với năm 2021.
Tình trạng nhà ở đô thị không đủ để đáp ứng cho dân số ngày càng tăng và tỷ lệ thế chấp giảm được coi là hai thủ phạm chính. Ngoài ra, các đợt tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Trung ương Canada có thể đã “đổ thêm dầu vào lửa”, khi đặt thêm gánh nặng tài chính lên những người mua mới đang phải vật lộn với khả năng chi trả nhà ở. Họ không chỉ cần trả lãi suất cao hơn mà còn phải có thu nhập cao hơn để đủ điều kiện vay thế chấp.
Đứng thứ 2 sau Toronto là Frankfurt (Đức). Giá bất động sản tại thành phố này đã tăng 5% so với năm 2021. Rủi ro cũng được đánh giá cao ở Zurich (Thụy Sỹ), Munich (Đức), Hồng Kông, Vancouver (Canada) và Amsterdam (Hà Lan).
Đáng ngạc nhiên là tất cả các thành phố của Mỹ đều nằm ngoài vùng nguy hiểm. Miami là thành phố Mỹ có số điểm cao nhất. Giá bất động sản tại đây đã tăng hơn gần 50% so với trước đại dịch, đẩy thành phố vào nhóm có giá bất động sản quá cao.
Báo cáo kết luận rằng tại hầu hết các thành phố có giá bất động sản cao, việc điều chỉnh giá đã bắt đầu hoặc có thể sắp xảy ra.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm