Thị trường hàng hóa
2023 - Khát vọng về một thế giới bình yên! Thế giới đã trải qua một năm 2022 đáng quên nhất trong nhiều thập kỷ gần đây, thậm chí còn tệ hơn cả so với năm 2019 hay 2020 khi bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Đó cũng là lý do để 2023 có thể là một năm bản lề để thế giới kỳ vọng hơn vào tương lai, một năm yên bình trọn vẹn mà thế giới đã chờ đợi từ lâu. Những khát vọng hòa bình sẽ được chuyển tải tới bạn đọc trong chuyên đề này. |
“Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” - câu thành ngữ cổ đang được xem như niềm hy vọng cho thế giới hiện đại, thế giới của công nghệ kỹ thuật số, của cuộc cách mạng 4.0. Có nghĩa rằng khi những khó khăn đã đến tận cùng thì sau đó sẽ là một sự thay đổi tốt đẹp hơn. Giống như sau những cơn mưa, sau giông bão thì bầu trời sẽ trong xanh trở lại.
Đó không chỉ là niềm tin hay sự ảo mộng, mà thực tế những hy vọng về một thế giới năm 2023 tốt đẹp hơn là hoàn toàn có cơ sở. Đó trước tiên là một quy luật của tự nhiên, khi mọi thứ đã chạm đến đáy cùng, thì sẽ tái sinh và khởi sắc trở lại. Mà rõ ràng, thật khó có thể tin rằng mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn như những gì đã xảy ra trong năm 2022.
Phải thừa nhận rằng cuộc chiến tại Ukraine là trung tâm của vòng xoáy toàn cầu năm 2022. Dù là “giọt nước tràn ly” hay căn nguyên gốc rễ, thì cuộc chiến này cũng góp phần gây ra hầu hết cuộc khủng hoảng khác trên toàn cầu trong năm 2022. Nó đã phá vỡ nền hòa bình cơ bản mà thế giới đã được hưởng gần 80 năm qua kể từ Thế chiến II, nó gây ra lạm phát chưa từng thấy ở nhiều quốc gia trong hàng thập kỷ, gây ra sự phân cực địa chính trị chưa từng có sau khi Chiến tranh lạnh. Và tất nhiên, nó còn đóng vai trò quyết định gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn, năng lượng, lương thực, nhân đạo… cũng chưa từng được chứng kiến trong hàng chục năm gần đây.
Chỉ một cuộc chiến giữa 2 quốc gia, nhưng đã khiến cả thế giới điên đảo. Lý do tại sao? Đó là bởi thế giới đã được tận hưởng yên bình trong hàng thập kỷ, nên khi chỉ một trục trặc nhỏ cũng phá đi trật tự. Giống như một mặt hồ phẳng lặng cũng xao động bởi một giọt nước bất ngờ rơi xuống. Thế giới hiện đại rõ ràng đã rất phẳng lặng ở nhiều ý nghĩa, gồm ý nghĩa từ cuốn sách “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman rằng mọi người trên hành tinh này đều phụ thuộc vào nhau về kinh tế hay chính trị, chỉ cần một liên kết bị cắt đứt cũng khiến cho cả mạng lưới rộng lớn đổ vỡ.
Cũng bởi thế giới đã rất phẳng, nên nó cũng đang giúp cho sự khát khao về sự bình yên đang lan tỏa mạnh mẽ toàn cầu. Sau một thời gian dài sống trong bất ổn, đặc biệt trong năm 2022, niềm khao khát về sự yên ổn hẳn đang được hun đúc trong mọi người, từ những người dân bình thường cho đến những chính trị gia đầy quyền lực. Chẳng ai muốn trải qua những gì vừa trải qua trong năm 2022.
Cũng bởi thế giới phẳng, nên cuộc chiến Nga - Ukraine khó có thể duy trì lâu dài. Giống như tác động toàn cầu mà cuộc chiến này đã gây ra, thì ngược lại nó cũng sẽ phải chịu các tác động tương đương từ toàn cầu để không thể đi quá xa, ít nhất Định luật III Newton đã chỉ ra như vậy.
Thực tế, những diễn biến vào cuối năm 2022 cũng đã mở ra những tia hy vọng về một nền hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine. Nga đã bắt đầu chấp nhận rút quân khỏi một số vùng chiếm đóng ở Ukraine, qua đó cho thấy họ đã không còn xem đây là một cuộc chiến đến cùng. Trong khi đó, theo truyền thông phương Tây, Mỹ và một số quốc gia khác cũng đang hối thúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tìm ra những giải pháp chấm dứt cuộc chiến một cách sớm nhất có thể. Dẫu sao, EU hay Mỹ, cũng như chính Nga và Ukraine, hẳn đã nhận ra họ đã đi quá xa trong cuộc chiến mà tất cả đều đang thất bại này.
Bên cạnh niềm hy vọng cuộc chiến Nga - Ukraine sớm hạ màn vào năm 2023, thế giới cũng có thể tìm ra lối thoát cho những cuộc khủng hoảng khác. Trước tiên như đã nói, cuộc chiến này là tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các cuộc khủng hoảng toàn cầu, từ lạm phát, năng lượng, lương thực, nhân đạo, địa chính trị… Một khi cuộc chiến kết thúc, các cuộc khủng hoảng này sẽ dịu đi rất nhiều.
Trong khi đó, viễn cảnh đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lùi xa vào năm 2023 là quá rõ ràng. Ngay cả Trung Quốc - quốc gia duy nhất còn áp dụng chiến lược “Không COVID”, cũng đã bắt đầu nới lỏng các quy tắc kiểm dịch như việc giảm thời gian cách ly, giảm quy mô xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa. Tức họ có thể mở cửa trở lại với thế giới bất cứ lúc nào trong năm 2023, qua đó sẽ khơi thông lại nhiều huyết mạch quan trọng giúp nền kinh tế khu vực và toàn cầu khởi sắc trở lại.
2023 vẫn còn đối mặt với một mối rủi ro lớn khác là khủng hoảng khí hậu. Hàng loạt thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường trong năm 2022 cho thấy đây rõ ràng là “mối đe dọa lớn nhất của thế kỷ 21”, như Liên hợp quốc đã xác định. Song cũng chính bởi cuộc khủng hoảng này đã quá rõ ràng, quá tàn khốc, nên cũng đã làm thức tỉnh cả thế giới. Bởi vậy, dù còn nhiều rào cản và thách thức ở phía trước, năm 2023 có thể sẽ đánh dấu một bước đột phá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi nó đã nhận được sự chung tay của cả thế giới.
Đến lúc này, nhiều quốc gia và khu vực đã sẵn sàng hy sinh để chống lại biến đổi khí hậu. Châu Âu đang đẩy nhanh quá trình đoạn tuyệt với nhiên liệu hóa thạch, để đẩy nhanh sang năng lượng tái tạo dù đắt đỏ và mong manh hơn vào thời điểm này. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia khác cũng đã xem việc từ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng sạch là quyết sách hàng đầu, từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản… cho đến Việt Nam của chúng ta.
Chưa bao giờ năng lượng tái tạo, năng lượng xanh lại đang trở thành một xu thế lớn như lúc này, đặc biệt xu thế đó mới chỉ đang bắt đầu. Theo dữ liệu từ Rystad Energy, năm 2022 chính là năm đầu tiên mà đầu tư cho năng lượng tái tạo đã lớn hơn năng lượng hóa thạch, cụ thể ở mức 500 tỷ USD so với 447 tỷ euro.
Sau khi đã trải qua quá nhiều khó khăn do chính sự phát triển ồ ạt và khát vọng quyền lực quá mức, thế giới dường như đã sẵn sàng từ bỏ nhiều ham muốn, để sống chậm lại vì một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này sẽ là tiền đề để giúp 2023 có thể trở thành một năm bản lề giúp thế giới bước sang một kỷ nguyên mới tốt đẹp và bền vững hơn!
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm