Thị trường hàng hóa
NASA là tên viết tắt của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ. Đây là cơ quan của chính phủ liên bang Hoa Kỳ có trách nhiệm thực thi chương trình thám hiểm không gian và nghiên cứu ngành hàng không. Vào năm 1958, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisehower đã thành lập NASA với mục đích dân sự hướng tới những ứng dụng hòa bình trong khoa học không gian, trên cơ sở kế thừa của Ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia NACA.
Vượt qua những thách thức khi làm việc ngoài không gian, NASA đã có nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ ấn tượng, mang lại lợi ích cho xã hội trong các lĩnh vực: y tế, giao thông vận tải, an toàn công cộng, hàng tiêu dùng, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và năng suất công nghiệp. Hiện tại, NASA đang tham gia xây dựng và vận hành Trạm vũ trụ quốc tế ISS và đang giám sát quá trình phát triển tàu vũ trụ Orion, Hệ thống phóng không gian SLS và các lần phóng tàu vũ trụ với sự tham gia của các công ty cổ phần.
Với tổng số 11.000 nhà khoa học và kỹ sư, NASA là một trong những tổ chức đổi mới sáng tạo hiệu quả nhất trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm, NASA đã chuyển giao thành công khoảng 1.600 công nghệ mới cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Gần đây, tổ chức này đã công bố bản báo cáo tác động kinh tế hàng năm mà cơ quan vũ trụ mang lại cho nền kinh tế Mỹ. Theo đó, NASA đã đem lại 71,2 tỷ USD cho nền kinh tế, duy trì 339.600 việc làm trên toàn quốc và tạo ra gần 7,7 tỷ USD thu nhập từ thuế liên bang, thuế tiểu bang và thuế địa phương.
Lợi ích kinh tế do NASA tạo ra được trải rộng trên tất cả 50 tiểu bang. Xét tới việc ngân sách tài chính năm 2021 của NASA là 23,3 tỷ USD, cơ quan không gian này dường như có lợi tức đầu tư khá lớn.
Tuy nhiên, giá trị kinh tế thực sự của NASA đem lại cho nhân loại là sự gia tăng lâu dài về kiến thức, thịnh vượng và hòa bình. Theo các nhà khoa học, cơ quan khoa học đã tiến hành các thí nghiệm trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), từ nghiên cứu y sinh đến in 3D, có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số hạng mục mà NASA thực hiện chẳng hạn như nghiên cứu địa chất Mặt trăng và Sao Hỏa và quay lại những hình ảnh ngoạn mục đó từ Kính viễn vọng Không gian Hubble và James Webb, rất khó để quy ra thành khoản kinh tế riêng. Nhưng kiến thức đến từ những hạng mục này có giá trị xứng đáng để được đầu tư.
Bill Nelson, Giám đốc NASA mới đây đã đề cập đến một trong những lợi ích thương mại của cơ quan vũ trụ. Cụ thể, chương trình Phi hành đoàn thương mại đã cho phép SpaceX không chỉ trở thành một nhà cung cấp dịch vụ cho các phi hành gia và hàng hóa đến và đi từ ISS (Trạm vũ trụ Quốc tế), mà còn là một tuyến vũ trụ đưa khách hàng tư nhân đến và đi tới quỹ đạo thấp của Trái đất.
Đồng thời, nhờ các khoản đầu tư của NASA, du hành vũ trụ tư nhân đang là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới. Chương trình Artemis cũng sẽ mở đường cho việc khai thác mặt trăng và tiểu hành tinh, một nền kinh tế công nghiệp vũ trụ tạo ra nhiều nghìn tỷ USD của cải trong tương lai.
Những lợi ích tiềm năng của Liên minh Artemis mở rộng phạm vi kinh tế của thế giới tới mặt trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa là tạo ra một thế giới mới. Theo ông Darryl Mitchell, Chánh văn phòng Chuyển giao Công nghệ tại Trung tâm không gian Goddard, ngày nay, NASA đang thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ lớn trên 10 trung tâm nghiên cứu chính của mình.
Chương trình này đã tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ và tạo ra nhiều việc làm mới cho công chúng, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ trở nên đơn giản hơn. Các công ty không phải mất thời gian quá nhiều cho những cuộc đàm phán và sớm hưởng lợi từ những điều khoản phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của họ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm