Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo Nghiên cứu xa xỉ lần thứ 21, được phát hành bởi công ty nghiên cứu Bain & Company kết hợp với Fondazione Altagamma (Ủy ban tập hợp các thương hiệu cao cấp của Ý), sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng xa xỉ vào năm 2021 sẽ tiếp tục trong năm 2022, bất chấp áp lực kinh tế vĩ mô gia tăng trong suốt cả năm. Và ngành hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong thập kỷ tới. Báo cáo lưu ý rằng hoạt động của các công ty hàng xa xỉ trong quý cuối cùng của năm 2022 sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc dỡ bỏ dần dần các hạn chế phòng dịch ở Trung Quốc, cũng như khả năng của châu Âu và Mỹ trong việc chống lại những cơn gió ngược đe dọa kinh tế.
Trong khi tất cả các danh mục hàng xa xỉ đều phát triển mạnh, hiện đã phục hồi về mức trước đại dịch hoặc thậm chí hoạt động tốt hơn, ngành hàng xa xỉ phục vụ cá nhân (bao gồm phụ kiện bằng da, quần áo, giày dép, trang sức và đồng hồ) tăng trưởng mạnh hơn cả. Danh mục này dự kiến đạt doanh thu 353 tỷ euro trong năm nay, tăng 22% so với năm ngoái. Đồng thời, thị trường hàng xa xỉ cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng ít nhất 3-8% trong năm 2023, bất chấp rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu. Đến năm 2030, giá trị thị trường này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 550 - 570 tỷ euro, tăng 60% trở lên so với năm 2022.
Báo cáo còn cho thấy chi tiêu của Gen Y và Gen Z chiếm toàn bộ sự tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ trong năm 2022. Cho đến năm 2030, chi tiêu của Gen Z và Gen Alpha (những người sinh trong giai đoạn 2010-2024) sẽ tăng nhanh hơn khoảng 3 lần so với các thế hệ khác, chiếm một 1/3 thị trường. Điều này cho thấy độ tuổi trung bình của những người mua sắm hàng xa xỉ đang giảm xuống.
Trong khi Mỹ và Châu Âu là những thị trường hoạt động mạnh nhất, Đông Nam Á và Hàn Quốc đang thắng thế về tốc độ tăng trưởng. Trong số các ngôi sao đang lên, Ấn Độ nổi bật về tiềm năng tăng trưởng. Quy mô thị trường xa xỉ của nước này được dự đoán sẽ mở rộng gấp 3,5 lần so với hiện nay vào năm 2030, được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng của người tiêu dùng trẻ đối với hàng xa xỉ.
Trong khi đó, Trung Quốc, vốn đóng vai trò quan trọng đối với thị trường hàng xa xỉ trong dài hạn, đang tiếp tục đối mặt với giai đoạn đầy thách thức do các biện pháp phong tỏa phòng dịch và đang hoạt động kém hơn so với năm 2021. Thị trường xa xỉ của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi từ nửa đầu đến nửa cuối năm 2023.
Báo cáo cũng chỉ ra các xu hướng chính khác của ngành hàng xa xỉ, chẳng hạn như sự trở lại của bán lẻ truyền thống. Bà Federica Levato, lãnh đạo bộ phận thời trang và hàng xa xỉ EMEA tại Bain & Company, cho biết: “Chúng tôi đã tính đến điều này trong các ước tính trước đó. Khi du lịch được khởi động lại, việc người tiêu dùng quay trở lại các cửa hàng là điều bình thường".
Khách hàng của thị trường xa xỉ cũng đang mở rộng với khoảng 400 triệu người tiêu dùng vào năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 500 triệu người vào năm 2030.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm