Thị trường hàng hóa
Tỷ lệ lạm phát hàng tháng tăng ở mức 8,8%, so với mức 11% trong tháng 3.
Đây được coi là thắng lợi của Tổng thống Javier Milei, người mới nhậm chức vào tháng 12 với lạm phát hàng tháng lên tới đỉnh điểm trên 25%.
Ông Manuel Adorni, người phát ngôn của Tổng thống, cho biết trên X: “Lạm phát đang bị nghiền nát. Giấy chứng tử của nó đang được ký”.
Viện Thống kê và điều tra quốc gia (INDEC) của Argentina cho biết, tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 4 ở mức 289,4%, cao hơn một chút so với tỷ lệ hàng năm một tháng trước đó.
Khi lên nắm quyền, ông Milei đã tiếp quản một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với lạm phát ở Argentina thuộc hàng cao nhất thế giới.
Chính quyền đã thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt để ổn định nền kinh tế, bao gồm cắt giảm chi tiêu công và giảm thâm hụt ngân sách.
Họ đã cắt giảm 50.000 việc làm công, đình chỉ các hợp đồng xây dựng công trình công cộng mới và loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu và vận chuyển.
Những biện pháp này đã được các nhà đầu tư và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khen ngợi. Nhờ đó, IMF ngày 13/5 đã công bố khoản vay 800 triệu USD (739 triệu euro) cho Argentina.
Nhưng ở chiều ngược lại, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về thành công của chính phủ, chỉ ra sự sụt giảm trong chi tiêu tư nhân.
Nhà kinh tế học Monica de Bolle, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, người nghiên cứu các thị trường mới nổi, cho biết: “Chi tiêu cá nhân đã sụt giảm nghiêm trọng, điều này giải thích tại sao tiêu dùng giảm đáng kể và tại sao lạm phát cũng giảm”.
Những người chỉ trích Tổng thống Milei nói rằng, các chính sách của ông đã ảnh hưởng không tương xứng đến người nghèo và tầng lớp lao động.
Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ nghèo đói đang lên tới gần 50%, trong bối cảnh hoạt động kinh tế suy giảm và tiêu dùng giảm.
Trong khi lạm phát đang giảm, GDP của Argentina dự kiến sẽ giảm 2,8% trong năm nay, dự báo một cuộc suy thoái tồi tệ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm