Thị trường hàng hóa
Ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản trì hoãn lập gia đình hoặc từ bỏ hoàn toàn việc có con. Họ cho rằng, chi phí nuôi con cao, triển vọng việc làm kém trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm và giá bất động sản tăng cao. Nhiều phụ nữ cũng ưu tiên tự do cá nhân hơn và không nghĩ tới việc tìm bạn đời.
Hàn Quốc ghi nhận tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới trong những năm gần đây. Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố gần đây, có 249.000 trẻ sơ sinh sinh ra năm 2022, giảm 4,4% so với năm trước. Tỉ lệ sinh cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Với tỉ lệ sinh như hiện nay thì Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tỉ lệ sinh thấp nhất. Điều này làm dấy lên lo ngại về những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, do tình trạng thiếu hụt lao động và chi tiêu phúc lợi lớn, trước tỉ lệ dân số già tăng lên trong khi số người nộp thuế giảm.
Ngoài ra, các vấn đề mang tính xã hội cũng là rào cản lớn với những người sắp làm cha mẹ tại Hàn Quốc. Một trong số đó phải kể tới quy tắc “bất thành văn” về vai trò làm cha mẹ. Xã hội Hàn Quốc vẫn chưa có cái nhìn thiện cảm với những ông bố bà mẹ đơn thân. Tại nước này, các bệnh viện không cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm cho phụ nữ độc thân.
Trong bối cảnh tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới và dân số già đi nhanh chóng, những lo ngại đang gia tăng về áp lực đối với nền kinh tế Hàn Quốc và hệ thống lương hưu có thể cạn kiệt trong những thập kỷ tới. Chính vì thế, Hàn Quốc đã triển khai các chương trình khuyến khích người dân sinh con, bao gồm hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ điều trị sinh sản và chi phí y tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những biện pháp này không giải quyết được vấn đề chi phí sinh hoạt đắt đỏ hay thay đổi quan điểm về vai trò giới và cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Theo Nikkei Asia, Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang hỗ trợ 700.000 won mỗi tháng cho các gia đình có con dưới 1 tuổi. Số tiền hỗ trợ này sẽ tăng lên mức 1 triệu won kể từ năm 2024.
Tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản tỉ lệ sinh cũng đang giảm với tốc độ đáng báo động. Trong Sách trắng 2022 về tỉ lệ sinh giảm do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố có nêu rõ, đại dịch Covid-19 lây lan đã làm giảm số lượng các cặp kết hôn và mang thai so với trước đại dịch, những người ở độ tuổi 20 và 30 cũng lo lắng về hôn nhân, thu nhập, việc làm và gia đình hơn các nhóm tuổi khác. Ngoài ra, tỉ lệ kết hôn giảm ở Nhật Bản cũng là do sự tồn tại dai dẳng của vai trò giới trong gia đình truyền thống, đặt gánh nặng lớn lên vai phụ nữ trong việc quản lý công việc nhà và chăm sóc con cái. Do đó, trong khi số lượng người trên 65 tuổi tiếp tục tăng (hiện chiếm hơn 28% dân số) thì tỉ lệ sinh vẫn ở mức thấp. Một phụ nữ Nhật Bản có thể sinh trung bình 1,3 con trong suốt cuộc đời - thấp hơn nhiều so với mức 2,1 con cần thiết để duy trì quy mô dân số hiện tại. Đây rõ ràng là tín hiệu không tốt cho mối quan tâm về dân số già và thiếu hụt lao động.
Tỉ lệ sinh thấp kết hợp với hạn chế nhập cư đã đẩy tuổi trung bình ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cao hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp hóa nào khác. Dân số Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm mạnh vào giữa thế kỷ này, xuống còn khoảng 88 triệu vào năm 2065 (giảm 30% trong 45 năm).
Để giải quyết vấn đề giảm tỉ lệ sinh nghiêm trọng, Nhật Bản lên kế hoạch tăng cường các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là tài chính để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, trọng tâm sẽ là các biện pháp tăng cường trợ cấp bằng tiền mặt để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình. Trước mắt, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu hỗ trợ 100.000 Yen, khoảng 7.400 USD cho các gia đình trong quá trình mang thai và sinh nở, biện pháp này sẽ được thực hiện từ năm tài chính tiếp theo.
Hiện ngân sách dành cho trẻ em Nhật Bản trong năm 2023 vào khoảng 4,7 nghìn tỉ Yen, khoảng 34,8 tỉ USD. Trong cuộc họp vào cuối năm 2022, Thủ tướng Kishida cũng khẳng định sẽ tăng gấp đôi quy mô ngân sách dành cho trẻ em, thiết lập các chế độ phúc lợi mới cho những người lao động, lộ trình tăng gấp đôi ngân sách cho trẻ em dự kiến được thực hiện trong 6 năm bắt đầu từ năm sau.
Với rất nhiều chính sách mà Hàn Quốc và Nhật Bản đã được đưa ra nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu tăng tỉ lệ sinh. Theo Giáo sư Yu Shibata tại Viện Nghiên cứu nhân chủng học và môi trường, thuộc Đại học Tokyo, để cải thiện tình trạng này là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và tại Nhật Bản nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến kế hoạch sinh con của các gia đình. Để làm được điều này, Nhật Bản phải cố gắng giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ liên quan đến sinh nở, chăm sóc con và học phí.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm