Thị trường hàng hóa
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: 8 tháng năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD.
“Năm nay, dệt may Việt Nam dự kiến đạt 43,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, mặc dù dự báo những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Trương Văn Cẩm nói.
Ông Trương Văn Cẩm cũng cho biết: Dự báo khó khăn của ngành đã bắt đầu hiện thực hoá, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng, đang chấp nhận làm với giá thấp. Ngành dệt may Việt Nam 80% năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu, biến động trên thị trường thế giới đã tác động trực tiếp đến ngành.
Mặt khác, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản đã khống chế được nhưng các thị trường khác, trong đó có thị trường cung cấp nguyên phụ liệu chính cho ngành như Trung Quốc (cung cấp 50% nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam) thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch rất chặt chẽ đã ảnh hưởng tới nguồn cung đầu vào cho sản xuất.
Ngoài ra, EU đưa ra chiến lược mới về dệt may, quy định về tỷ lệ thay thế, xanh hoá sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững điều nay yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chuyển dịch mạnh để đáp ứng.
Trước những khó khăn trên, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị: Tại các thị trường cung cấp nguyên liệu cho dệt may, Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại làm việc với các cơ quan chức năng để có đường vận chuyển thuận lợi hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước còn rất lúng túng trong việc thực hiện các quy định trong chiến lược dệt may mới của EU, cần sự hỗ trợ thông tin nhiều hơn của thương vụ.
Với thông tin doanh nghiệp Me-xi-co, Panama mong muốn tìm đối tác Việt Nam để hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may, lãnh đạo Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, sẽ kết nối với Thương vụ Việt Nam tại hai thị trường này để xúc tiến kết nối doanh nghiệp hai nước. “Me-xi-co là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của ngành sang thị trường này rất cao tới 83% tuy dung lượng chưa lớn khoảng 85 triệu USD nhưng còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp khai thác”, ông Trương Văn Cẩm thông tin thêm.
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề xuất: Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí cho một số thành viên hiệp hội tham gia 2 hội chợ lớn tại Australia nhằm tìm hiểu thị trường, kết nối với đối tác mới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm