Thị trường hàng hóa
Theo thống kê, chỉ số sản xuất trang phục nửa đầu năm 2022 lập đỉnh mới với mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2018 tăng 9,6%, năm 2019 tăng 7,7%, năm 2020 giảm 6,5%, năm 2021 tăng 8,7%, năm 2022 tăng 23,3%.
Trang phục là mặt hàng “đinh” trong nhóm hàng dệt may xuất khẩu, sản phẩm này luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của ngành. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sản xuất trang phục nói riêng, sản xuất các mặt hàng dệt may nói chung nửa đầu năm 2022 đều tăng trưởng rất tốt.
Nguyên do, công tác phòng chống dịch của Việt Nam tốt, ngành dệt may đã đón được các đơn hàng di chuyển, nhất là từ Trung Quốc sang. Cùng đó, lực lượng lao động sau đợt cao điểm của dịch Covid-19 cũng dần quay trở lại làm việc giúp sản xuất của ngành thuận lợi trong nửa đầu năm 2022.
Tuy vậy, sang nửa cuối năm 2022, dự báo tình hình thị trường nhập khẩu tỷ trọng lớn hàng may mặc của Việt Nam như Mỹ có xu hướng xấu đi do tiêu dùng giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng sản xuất.
Mặt khác, do Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách zero Covid, nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng dệt may, trong đó có trang phục sẽ gặp trở ngại. Dù các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện nhiều giải pháp như liên kết với nhà sản xuất nguyên liệu trong nước để cung ứng nguyên liệu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi nguyên liệu sản xuất trong nước có hạn, không đáp ứng được đa dạng nhu cầu của doanh nghiệp may mặc.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp hàng đã sản xuất nhưng không giao được cho đối tác Nga, chất thêm khó cho doanh nghiệp.
Với những khó khăn trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất: Trước mắt, các cơ quan chức năng hạn chế gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh. Về thị trường Nga, cơ quan Chính phủ hai nước họp bàn có định hướng cho doanh nghiệp về thời điểm, phương thức giao hàng, thanh toán, nhất là đảm bảo an toàn cho con người và hàng hoá.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm