Thị trường hàng hóa
Sáng 21/3, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn”. Đây là năm thứ 2 Diễn đàn về chuyển đổi số được tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như: Hiệp Hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp Hội Doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam (Business Sweden), cùng các doanh nghiệp công nghệ tiên phong trong nước và quốc tế như: Ericsson, ABB, Lazada, VNPT, TNEX,...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế như: Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh; nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình; và già hóa dân số.
“Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh và cho biết: Trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững.
Gần đây, khái niệm “Chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai. Thực tế, trong quá trình xây dựng các chiến lược, Quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã ký kết, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Đây là sức ép và cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để được thị trường chấp nhận.
Chia sẻ về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, ông Urs KLOETI - Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen, Nestlé Vietnam Ltd cho rằng: Chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp doanh nghiệp trong việc số hóa dữ liệu và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhờ chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm.
“Chuyển đổi số giúp chúng tôi kết nối nhân viên tại tất cả các cấp bậc trong công ty một cách hiệu quả và chủ động hơn. Chúng tôi đã xây dựng một vài mạng lưới nội bộ từ những đội ngũ sẵn có trong từng lĩnh vực quan trọng và hiện giờ tại mỗi thị trường chúng tôi cũng xây dựng những mạng lưới như vậy để xác định những vấn đề cần cải thiện và tìm kiếm những ứng dụng phù hợp nhất để xử lý những vấn đề này” - ông Urs KLOETI khẳng định.
Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là “cú huých” thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, mà còn tăng năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã nhấn mạnh 3 nội dung xây dựng gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đặc biệt, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.
Như vậy, chuyển đổi số là “thời cơ” cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển, nhưng để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức và công nghệ 5G được xem là “chìa khoá” để Việt Nam “hoá giải” những thách thức đó.
Nói về tầm quan trọng của 5G đối với chuyển đổi số, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) cho biết: Đến thời điểm hiện nay, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone). Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia tiếp cận vào 5G rất sớm cả từ phương diện quản lý nhà nước đến triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ.
Việc thử nghiệm 5G thực sự có giá trị cho doanh nghiệp vì mạng 5G và kinh doanh trên mạng 5G thực sự khác biệt so với triển khai mạng trên các công nghệ 4G, 3G và 2G.
Trong khi đó theo ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar cho rằng: “Chúng tôi cũng thấu hiểu và đánh giá cao tầm quan trọng của chuyển đổi số được hỗ trợ bởi 5G như một hạ tầng số quốc gia quan trọng, là nhân tố chính giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong tất cả các ngành, đặc biệt là sản xuất, chế tạo, hậu cần, nông nghiệp và năng lượng và nhiều ngành khác”.
Cũng theo ông Denis Brunetti, Ericsson cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển đổi số, cơ hội mà chuyển đổi số mang lại sẽ đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, một quốc gia công nghiệp phát triển toàn diện vào năm 2045.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm