Thị trường hàng hóa
Ông Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Qua theo dõi thực tế, ông đánh giá thế nào về tình hình xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2022?
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Với con số trên cho thấy tình hình tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 tương đối tốt.
Không theo quy luật của những năm trước Covid-19, 8 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu có nhiều điểm khác, trong đó, thuận lợi chiếm phần nhiều. Theo đó, kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi sau hai năm đại dịch, các nước bắt đầu mua sắm trở lại. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU,… đơn hàng tăng trở lại. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng rất mạnh, nhất là thời điểm đầu năm.
Tại thị trường trong nước, kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu phục hồi. Chính phủ có các chương trình phục hồi và ưu tiên cho các ngành xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì xuất khẩu cũng đối diện với những khó khăn. Cụ thể, cuộc xung đột Nga – Ukraina ảnh hưởng nhiều đến giá cả, chi phí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Cùng với sự gia tăng của giá năng lượng, giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh.
Cùng với đó, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, đặc biệt từ đầu năm 2022 họ làm rất mạnh và kiên trì với chính sách này, nơi nào có ổ dịch là họ phong tỏa, kể các các trung tâm công nghiệp hay trung tâm kinh tế lớn hay các cảng biển. Chiếm 8/10 cảng biển lớn nhất thế giới, Trung Quốc không chỉ là công xưởng của thế giới mà còn là nơi trung chuyển, vận chuyển hàng hóa cả nguyên phụ liệu và thành phẩm đi khắp thế giới. Do đó, việc Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid” không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế sản xuất, kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Hai sự kiện này và nhiều yếu tố khác nữa đã đẩy lạm phát của các nước lên rất cao, như tại Hoa Kỳ, EU lên tới con số gần 10% - cao nhất trong hơn 40 năm nay. Lạm phát tăng cao khiến nhiều nước phải sử dụng công cụ nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Cụ thể, nếu năm 2020 - 2021 Hoa Kỳ cũng đã tung ra những gói hỗ trợ rất lớn thì sang năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quay ngược lại chính sách và nâng lãi suất một cách mạnh mẽ và liên tục. Trước đây, thông thường “bước nhảy” lãi suất của FED là 0,25%, nhưng trong lần này, có đợt FED nâng lãi suất 0,75%. Từ đầu năm đến nay FED đã 4 lần điều chỉnh lãi suất và dự báo sẽ còn tiếp tục nâng nữa.
EU cũng tăng lãi suất và dựng lại các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Lãi suất cao sẽ khiến cho tiêu dùng giảm, đầu tư giảm. Những việc này đẩy các nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái. Tác động trước mắt là làm cho tiêu dùng giảm. Việc này làm cho các đơn hàng cho Việt Nam giảm.
Vậy ông nhận định như thế nào về tình hình xuất khẩu 4 tháng cuối năm 2022?
Nếu trong 8 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu có khó khăn nhưng thuận lợi nhiều hơn thì 4 tháng cuối năm này, tình hình xuất khẩu đối diện với khó khăn nhiều hơn. Bởi xung đột Nga – Ukraina chưa có chiều hướng chấm dứt. Kinh tế thế giới vẫn khó khăn.
4 tháng cuối năm này, có khả năng chúng ta không đạt được tăng trưởng cao như 8 tháng đầu năm. Đơn hàng trong các lĩnh vực dệt may, da giày là những ngành xuất khẩu chủ lực bắt đầu bị giảm mạnh.
Tuy không đạt được như 8 tháng đầu năm nhưng tôi cho rằng, xuất khẩu không sụt giảm mạnh như năm 2020, bởi lẽ chúng ta chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng tương đối thiết yếu như nông sản, dệt may, da giày…. Dự báo, từ nay đến cuối năm chúng ta vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Do đó, khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.
Những biến động về tỷ giá đồng USD và Euro sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu thưa ông?
Nói về đồng USD hiện nay là đang có lợi cho xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những thị trường sử dụng đồng USD như Trung Quốc, ASEAN,…. Nhưng vẫn có những điểm bất lợi, bởi lẽ, nền kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp, hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 90% xuất khẩu (năm 2021 là 86%). Chúng ta gia công lắp ráp nên phải nhập phần lớn linh kiện. Do đó, việc nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu tăng lên.
Với thị trường EU, đồng Euro mất giá, nếu xét theo cả khối thì đây là thị trường lớn thứ hai, thứ ba của chúng ta. Với tỷ giá như hiện nay thì việc xuất khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng.
Để đánh giá tổng hợp thì phải tính toán cụ thể với từng thị trường, từng mặt hàng xuất khẩu. Nhưng đánh giá chung là chúng ta không quá thiệt hại và cũng không nên quá lo lắng về vấn đề tỷ giá hiện nay. Tất nhiên, sẽ có ảnh hưởng, đó là làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh và thích ứng.
Xin cám ơn ông!
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm