Thị trường hàng hóa
Trước đây, khi chưa có những nền tảng bán hàng trực tuyến, khách hàng có những trải nghiệm mua hàng qua truyền hình. Ngày nay, các thương hiệu đã có thể bán hàng trực tiếp qua video trên nhiều nền tảng, chẳng hạn như YouTube Live, Instagram Live, LinkedIn Live, Facebook Live, Twitch, Twitter và TikTok.
Riêng tại Trung Quốc, nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao của Alibaba hiện đang thống trị xu hướng phát trực tiếp. Thị trường thương mại trực tiếp này đạt 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 tỷ USD) vào năm 2020, chiếm 10% thị trường mua sắm trực tuyến.
Theo iResearch China, thương mại trực tiếp được dự đoán sẽ chiếm khoảng 20% đến 25% doanh số bán hàng trực tuyến vào năm 2023. Tại Hoa Kỳ, thương mại trực tiếp chiếm 6 tỷ đô la doanh thu vào năm 2020 và 11 tỷ đô la vào năm 2021 và dự kiến đạt 26 tỷ đô là vào năm 2023, theo Statista.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bán hàng qua video đạt được mức độ tương tác cao hơn so với các hình thức thương mại điện tử truyền thống vốn có và có đến 95% thông điệp của thương hiệu được ghi nhớ khi truyền tải qua video.
Tại Trung Quốc, Taobao Live đang dẫn đầu hình thức thương mại trực tiếp với một lượng khán giả khổng lồ. Tại Hoa Kỳ nền tảng được ưa chuộng là Tiktok - một nền tảng tạo những video ngắn và theo xu hướng. Theo nghiên cứu, 41% người dùng Tiktok có độ tuổi 16-24 và 90% trong số đó truy cập ứng dụng hàng ngày.
Thậm chí hiện nay, Tiktok với những video ngắn chứa hình ảnh sinh động, âm thanh hấp dẫn và nội dung thịnh hành. Tiktok đang được nhận định trở thành xu hướng tiếp thị truyền thông mới “lên ngôi” phạm vi toàn cầu (Shoppertainment).
Trong khi mua sắm trực tuyến truyền thống là đơn lẻ, thương mại trực tiếp mang đến cảm nhận cộng đồng và chức năng kết nối. Người tiêu dùng có thể biết những sản phẩm nào đang được nhiều người ưa chuộng hoặc tự đưa ra những đánh giá về sản phẩm, đồng thời cảm thấy hữu ích khi đánh giá đó được tham khảo bởi nhiều người.
Khi người tiêu dùng hình thành thói quen truy cập vào một ứng dụng, họ sẽ trở nên trung thành với ứng dụng và cộng đồng tham gia ứng dụng đó. Khi người xem có trải nghiệm tuyệt vời, họ sẽ nói về nó vì điều đó trở thành một phần bản sắc của họ. Do đó, những cảm xúc tích cực mà sản phẩm mang đến sẽ dễ dàng tạo tiếng vang và đó chính là sức mạnh của thương mại trực tiếp.
Các công ty áp dụng thương mại trực tiếp thường với năm mục tiêu chính: thúc đẩy doanh số bán hàng trong thời gian ngắn; tiếp cận phân khúc người tiêu dùng mới; giới thiệu sản phẩm mới; định hướng người tiêu dùng và quảng bá thương hiệu .
Tuy nhiên, các chương trình bán hàng trực tiếp cần nằm trong chiến lược marketing tổng thể. Bán hàng trực tiếp qua ứng dụng không phải là một phương tiện tiếp thị độc lập. Những gì được trình bày trên livestream phải tương thích với kế hoạch dòng sản phẩm, định vị thương hiệu và mục tiêu truyền thông tổng thể.
Đầu tiên là tìm cách tiếp cận phù hợp. Các nhà điều hành sự kiện thương mại phát trực tiếp cần đặt ra các câu hỏi: Chúng ta có đang hướng đến đúng đối tượng không? Chúng ta có đang sử dụng đúng công nghệ không? Nội dung có phù hợp với người xem không? Ngoài ra, các thương hiệu nên xác định nhịp độ thường xuyên cho các sự kiện thương mại phát trực tiếp để người tiêu dùng có thể lên kế hoạch khi nào sẽ tham dự.
Thứ hai là lựa chọn nền tảng tối ưu. Các nền tảng hiện nay gồm nền tảng xã hội (TikTok, Instagram, Facebook, and YouTube) và nền tảng thị trường (Taobao, Amazon). Đối với các công ty, sự lựa chọn nền tảng phần lớn được thúc đẩy bởi phân khúc thị trường nào là ưu tiên, bởi vì các nền tảng khác nhau có sẽ hướng đến những đối tượng khách hàng khác nhau.
Thứ ba là đánh giá mức độ thành công của buổi phát trực tiếp. Khi thực hiện các chương trình thương mại phát trực tiếp, các công ty phải theo dõi bốn chỉ số: quy mô khán giả, mức độ tương tác của khán giả, doanh số bán hàng ngắn hạn và tác động lâu dài.
Thương mại trực tiếp giúp thu hẹp khoảng cách giữa mua sắm tiện lợi và tương tác cá nhân. Mặc dù một phần lý do khiến thương mại trực tiếp trở nên cực kỳ phổ biến là do đại dịch COVID-19, việc tạo ra những trải nghiệm trực tuyến phong phú và để lại ấn tượng sâu sắc trên suốt hành trình mua sắm của người tiêu dùng sẽ giúp hình thức phát trực tiếp tiếp tục là một trụ cột quan trọng của trải nghiệm mua hàng trong tương lại./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm