Thị trường hàng hóa
Storytelling là gì?
Storytelling (kể chuyện thương hiệu) là hình thức marketing dựa trên việc xây dựng, phát triển và truyền đạt những thông điệp, câu chuyện,… có liên quan đến thương hiệu. Có một số lý do khiến storytelling đặc biệt quan trọng trong các chiến dịch truyền thông:
Thứ nhất, những câu chuyện dễ nhớ hơn. Khách hàng có thể quên logo, nhưng sẽ nhớ những câu chuyện thú vị. Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Jerome Brunner, chúng ta có khả năng ghi nhớ một câu chuyện gấp 22 lần so với ghi nhớ những dòng tin tức hay những bài phân tích.
Thứ hai, storytelling là một phương thức uyển chuyển, linh hoạt, giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp, sứ mệnh, câu chuyện thương hiệu một cách tự nhiên hơn so với quảng cáo truyền thống. Với hình thức này, doanh nghiệp sẽ dễ đánh đúng tâm lý của khách hàng, khiến họ cảm thấy được cảm thông vì nhận ra hình ảnh của bản thân trong câu chuyện mà doanh nghiệp đang kể, điều này góp phần cổ vũ họ thực hiện hành động mang lại lợi ích trực tiếp cho cả bản thân và thương hiệu.
Khi đã có được sự liên kết với khán giả, câu chuyện mà thương hiệu xây dựng có khả năng được chia sẻ rộng rãi, từ đó thu hút thêm nhiều nguồn khách hàng tiềm năng.
Nike ghi dấu trong tâm trí mọi người bằng cách những câu chuyện đầy cảm hứng. Một chiến dịch quảng cáo giày chạy bộ của Nike sẽ không tập trung vào độ bền hay trọng lượng nhẹ của sản phẩm - thay vào đó, nó sẽ gieo mầm ý tưởng rằng chính khách hàng có thể trở thành một vận động viên giỏi bằng cách đi giày Nike. Thương hiệu đưa ra thông điệp rằng ai cũng có thể trở nên vĩ đại, miễn là bạn kiên trì theo đuổi nó đến cùng và không bỏ cuộc.
Nhìn lại năm 1988, Nike đã khởi động chiến dịch "Just Do It" (tạm dịch là “Cứ làm đi”) đầy tham vọng. Video quảng cáo 30 giây cho thấy hình ảnh cựu vận động viên điền kinh Walt Stack 80 tuổi, mang giày Nike, đang chạy bộ qua cây cầu Golden Gate của nước Anh. Câu slogan “Just do it”, lần đầu tiên được sử dụng trong quảng cáo này, đã tác động mạnh mẽ tới công chúng, giúp mọi người vực dậy tinh thần, khuyến khích họ hãy đứng lên làm điều mình thích, mà không cần phải e ngại gì.
Mỗi chúng ta đều tìm thấy bản thân trong những câu chuyện mà Nike truyền tải. Chính điều này đã tạo nên sự đồng cảm đối với người xem, biến họ trở thành người bạn đối với thương hiệu này. Vận dụng một câu chuyện cũ, thổi hồn vào đó góc nhìn mới lạ, khiến chúng trở nên gần gũi hơn với người xem, đó chính là những điều mà Nike đã làm được trong các chiến dịch marketing của mình.
"Người hùng thầm lặng" của công ty bảo hiểm nhân thọ Thái Lan là một trong những quảng cáo được yêu thích nhất trên thế giới. Đoạn video kể về một người đàn ông không giàu có nhưng luôn giúp đỡ những người xung quanh: Anh đẩy xe phụ bà bán hàng rong, chia đồ ăn cho chú chó nhỏ, cho tiền người ăn xin dù chính bản thân cũng chẳng còn tiền.
Những hành động tử tế tưởng chừng không đem lại cho nhân vật chính lợi ích gì nhưng cuối cùng “điều anh ấy nhận được là cảm xúc. Anh nhận thấy rằng mình hạnh phúc, cảm nhận được tình yêu từ mọi người, những điều mà tiền bạc không thể mua được".
Đoạn quảng cáo gửi gắm thông điệp của công ty bảo hiểm “Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp”. “Người hùng thầm lặng" đã thu hút 1 triệu lượt xem từ 232 quốc gia trong vòng 4 tuần ra mắt. Đến nay, con số này đã vượt quá 110 triệu lượt xem.
Công ty bảo hiểm cũng từng kể câu chuyện về một người cha câm điếc với cô con gái nhỏ của ông, từ khi cô gái mặc cảm vì người cha không hoàn hảo, đến khi cô nhận ra tình yêu vô bờ bến mà ông dành cho mình. Thông điệp mà công ty muốn gửi gắm là “Hãy quan tâm tới những người quan tâm tới bạn”.
Một trong những điểm quan trọng tạo nên sự thành công của các quảng cáo này là cảm giác gần gũi, khơi gợi sự đồng cảm trong lòng khán giả. Mọi người có thể bắt gặp thấy hình ảnh của chính mình, bạn bè, người thân đâu đó trong những thước phim. Tính nhân văn khiến khán giả không cảm thấy mình đang xem quảng cáo.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm