Thị trường hàng hóa
Các nhà quản lý cấp trung đưa ra hàng tá quyết định mỗi ngày, nhưng thường không phải là những quyết định lớn định hình tương lai của công ty. Họ phải quản lý cấp dưới, đồng thời phải trả lời cấp trên. Họ phải thực thi các chính sách mới ngay cả khi họ không có tiếng nói trong việc đưa ra các chính sách đó và phải đối mặt với sự phản đối của nhân viên. Một nghiên cứu mới đây cho thấy các nhà quản lý cấp trung là những người mệt mỏi nhất văn phòng.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty phần mềm Slack Technologies với sự tham gia của hơn 10.000 nhân viên văn phòng tại Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Nhật và Anh. Kết quả cho thấy, 43% quản lý cấp trung cho biết họ đang cảm thấy kiệt sức – con số cao hơn bất kỳ nhóm nhân sự nào khác trong doanh nghiệp.
Sheela Subramanian, đồng sáng lập của Future Forum, cho biết: “Các nhà quản lý cấp trung đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ cấp trên trong bối cảnh nền kinh tế không chắc chắn và lo ngại về năng suất giảm sút, đồng thời phải lắng nghe các vấn đề của nhân viên như mức lương không theo kịp lạm phát. Kể từ khi đại dịch bùng phát, họ được giao thêm nhiệm vụ điều hướng những thách thức của mô hình làm việc từ xa và làm việc kết hợp”.
Theo Future Forum, một phần lý do khiến các nhà quản lý gặp khó khăn là do họ đang phải đối mặt với những thách thức mới do thay đổi kỳ vọng và chuẩn mực tại nơi làm việc. Ví dụ như việc thực thi các sáng kiến trở lại văn phòng thường được giao cho các quản lý cấp trung. Điều này khiến họ biến thành kẻ xấu trong mắt nhân viên, ngay cả khi họ không đồng ý với chính nhiệm vụ của mình.
Walsh, Giám đốc khu vực của một công ty, cho biết bản thân đang mắc kẹt giữa cấp trên và cấp dưới. Anh cảm thấy thiếu sự công bằng trong cách tổ chức của doanh nghiệp. Nhiều người đã lựa chọn từ bỏ. Kyle Elliott, chuyên gia tư vấn việc làm tại Mỹ, người có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ cho các nhà quản lý và giám đốc điều hành, cho biết nhiều khách hàng của bà đã quyết định quay lại với vị trí nhân viên cấp thấp hơn do không chịu được áp lực.
Bà Subramanian đã đưa ra một số gợi ý để các công ty hỗ trợ các nhà quản lý cấp trung của họ. Đầu tiên các công ty cần cho phép các nhà quản lý tự chủ hơn trong việc giám sát đội nhóm của họ. Về lâu dài, các lãnh đạo cấp cao cần xem xét mong muốn thăng tiến của những người có thành tích tốt và xây dựng các lộ trình giúp họ tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Khảo sát của Slack Technologies cũng cho thấy tỷ lệ nhân viên văn phòng trên toàn cầu cảm thấy kiệt sức đã tăng lên 40% trong quý này. Sự kiệt sức có liên quan mật thiết đến hiệu suất làm việc, bao gồm năng suất kém hơn 32% và khả năng tập trung kém hơn 60%.
Ngoài ra còn có một khoảng cách giới đáng lo ngại giữa phụ nữ và nam giới về vấn đề kiệt sức. Theo nghiên cứu, phụ nữ bị kiệt sức nhiều hơn 32% so với nam giới. Ngoài ra, các nhóm nhân viên trẻ hơn có nhiều khả năng bị kiệt sức hơn, với 49% người từ 18-29 tuổi nói rằng họ cảm thấy kiệt sức, cao hơn so với 38% người lao động ở độ tuổi 30+. Không chỉ các quản lý cấp trung và nhân viên, 32% giám đốc điều hành cũng đang gặp phải tình trạng kiệt sức.
Kiệt sức là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng thôi việc. Những người cảm thấy kiệt sức cảm thấy ít kết nối hơn với công ty và “có khả năng” hoặc “rất có thể” sẽ tìm kiếm một công việc mới trong năm tới. Số lượng nhân viên văn phòng cho biết có khả năng tìm kiếm một công việc mới trong năm tới đã tăng lên 57% trong quý này.
Để giảm bớt áp lực cho nhân viên, các nhà lãnh đạo có thể cung cấp sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc. Những lời động viên và khen thưởng cho những đóng góp có giá trị cũng là điều cần thiết để giữ chân nhân sự.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm