Thị trường hàng hóa
Tại hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”, PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khóa XV đã khẳng định, sức khỏe đại dương đang bị ảnh hưởng bởi sự ấm lên toàn cầu, axit hóa, thiếu oxy, nước biển dâng, ô nhiễm và suy thoái nguồn lợi.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một nền kinh tế biển xanh là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng còn mới mẻ dù nó đã song tồn trong suốt 30 năm thực hiện phát triển bền vững cùng với 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (từ Rio-92 đến Rio+20) và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030, trong đó có Mục tiêu số 14 về phát triển bền vững biển và đại dương.
Đối với Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đây là cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến kinh tế xanh (bao gồm kinh tế biển xanh), tăng trưởng xanh (bao gồm tăng trưởng xanh lam) và phát triển bền vững (bao gồm phát triển bền vững biển đảo).
Chính vì thế, ngay từ tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (gọi tắt là Chiến lược tăng trưởng xanh 2012) và sau đó là Kế hoạch hành động Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014. Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh 2012 và Kế hoạch tăng trưởng xanh 2014-2020, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, nước ta cũng đang tập trung triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, cũng như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26) về đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Rõ ràng, các chính sách, chiến lược của nước ta về tăng trưởng xanh chính là cơ hội cho phát triển kinh tế biển xanh, góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương ở nước ta. Đó cũng là sự khẳng định xu thế phát triển đúng đắn trong dài hạn của kinh tế biển Việt Nam để chủ động chuyển dần từ nền “kinh tế biển nâu” sang nền “kinh tế biển xanh” với các “lợi ích kép” cơ bản: góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên biển, cải thiện nguồn vốn văn hóa biển đặc trưng, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới phát triển bền vững.
Những năm gần đây, cả hệ thống chính trị với sự góp sức ban đầu rất có ý nghĩa của các tổ chức quốc tế cùng nhà đầu tư trong và ngoài nước đã vào cùng cuộc, nhiều hành động đã được triển khai và bước đầu có một số thực hành tốt ở mức độ khác nhau, đóng góp cho phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta, đặc biệt ở cấp cộng đồng với các giải pháp xanh dựa vào và do người dân chung tay thực hiện.
Trong đó, đáng chú ý như hoạt động gìn giữ lâu dài tài sản tự nhiên biển thông qua quản lý hiệu quả khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản…
Đồng thời, phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái biển - ven biển đã bị suy thoái nhằm tái tạo, bảo vệ khu vực sinh sản và phát triển của các loài sinh vật biển. Các địa phương ven biển có rừng ngập mặn đã tập trung tăng cường vai trò quản lý nhà nước chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp, môi trường trong công tác bảo vệ hiệu quả rừng ngập mặn ven biển.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã cam kết và khẳng định sẵn sàng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế thực hiện các sáng kiến quốc tế về ngăn ngừa xả rác thải nhựa đại dương. Việt Nam đã đưa ra sáng kiến với các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.
Việc xây dựng cảng xanh hay cảng biển sinh thái theo mô hình cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế cũng đang là xu hướng ưu tiên trong phát triển cảng biển ở Việt Nam. Xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường không những đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên tăng trưởng xanh, mà còn giúp các cảng biển hội nhập quốc tế sâu rộng. Thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực khởi đầu trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường cảng biển với sự hỗ trợ của EU ở một số cảng trong hệ thống cảng biển như: Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh những nỗ lực thực hiện kinh tế biển xanh, phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta đối mặt với những khó khăn, thách thức chủ yếu:
Một là, đây là vấn đề mới, nên nhận thức về tăng trưởng xanh lam và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí vẫn rất khác biệt.
Hai là, các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh” trong điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.
Ba là, thiếu các số liệu và thông tin khoa học, công nghệ về nguồn vốn tự nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái biển làm cơ sở cho việc triển khai các hành động cụ thể liên quan tới phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta.
Bốn là, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Chủ yếu vẫn ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng.
Năm là, môi trường biển bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển bị suy thoái, chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển, cũng như trên các đảo có người sinh sống đổ vào biển ngày càng nhiều.
Sáu là, nguồn lợi hải sản giảm sút, các quần đàn cá có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển liên quan đến biến đổi khí hậu, xu thế tương tác sông-biển ở vùng cửa sông thay đổi đáng kể so với trước đây.
Trước thực trạng trên, để phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta, PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, cần bảo vệ cảnh quan biển, loại bỏ các quy định, chính sách đầu tư phát triển thiếu thân thiện với môi trường. Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý hiệu quả rác thải nhựa.
Mặt khác, cần thúc đẩy kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn thông qua việc loại bỏ chất thải, sử dụng tài nguyên quay vòng, trả lại thiên nhiên các giá trị vốn có…
Nhà nước cũng cần quan tâm phục hồi và phát triển cơ sở hạ tầng tự nhiên ven biển, trên đảo thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Khuyến khích phát triển năng lượng biển tái tạo; đô thị biển thông minh; thủy sản bền vững; dược liệu biển... Ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực biển. Phát triển kinh tế biển xanh dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, cải thiện mối quan hệ đối tác của các bên liên quan.
Ngoài ra, PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi cũng nhấn mạnh vai trò của việc thực hiện lồng ghép SDGs/SDG-14 vào các dự án phát triển, tạo nền tảng thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm