Thị trường hàng hóa
Hà Nội được biết đến là một đô thị có hệ sinh thái cảnh quan phong phú với hệ thống ao, hồ và cây xanh đa dạng. Trong quá trình chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng quan trọng hơn trong chức năng sinh thái xã hội, môi trường, điều hòa ngập úng, điều hòa không khí và giúp Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, nhiều ao, hồ tại Hà Nội còn gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử tâm linh tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội. Nhiều hồ nước đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương, là con mắt của làng, thậm chí trở thành phần hồn của dân tộc như Hồ Gươm.
Mang nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng do quá trình đô thị hóa của Thủ đô, số lượng ao, hồ trên địa bàn Hà Nội sụt giảm một cách đáng báo động. Nguyên nhân xuất phát từ việc san lấp để nhường chỗ cho dự án. Diện tích, số lượng ao, hồ bị thu hẹp cũng đã gây ra nhiều hệ lụy: Ngập lụt, ô nhiễm không khí, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân khu vực bị giảm sút…
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ. Thời gian qua, không ít hồ, ao bị san lấp không đúng quy định, gây bức xúc trong nhân dân.
Mới đây, câu chuyện lấn hồ làm dự án lại tiếp tục tái diễn và hồ Bà Đồ (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) lại là “nạn nhân”. Sự việc này cũng đã khiến cho không chỉ người dân sinh sống nơi đây, mà dư luận Hà Nội và cả nước cũng lên tiếng phản đối. Thậm chí người dân sống tại đây cũng đã viết đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước tình hình đó, thành phố đã triển khai nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng vừa giữ gìn, vừa cải tạo môi trường hồ, ao. Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, trong Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 8/7 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố”, UBND thành phố Hà Nội đã xác định rõ quan điểm: “Không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ...”. Đây là quyết sách rất đúng và phù hợp với xu thế phát triển đô thị trên thế giới, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, tổng hợp các trường hợp vi phạm về quy hoạch (so với quy định hiện hành và các quy hoạch cấp trên). Nghiên cứu cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng kéo dài.
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể đối với các Sở, ngành, đơn vị, UBND quận huyện trong thực hiện chương trình, đề án, rà soát việc thực hiện các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn.
Các cấp, ngành cần dựa vào dân để quản lý quy hoạch, tăng cường cơ chế tự quản cộng đồng trong quản lý đô thị. UBND các quận, huyện, thị xã phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý quy hoạch, xây dựng có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm, nhất là việc bức tử hồ, ao.
Để thích ứng với những diễn biến rất phức tạp của biến đổi khí hậu, vai trò của phát triển đô thị bền vững rất quan trọng. Do đó việc cân nhắc, hạn chế những bất cập trong điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội là điều vô cùng cần thiết. Điều này thể hiện tính đúng đắn, tiếp thu cũng như việc triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị của TP Hà Nội.
Đặc biệt, phải biến việc bảo vệ, giữ gìn những không gian và môi trường hồ, ao trở thành nhu cầu tự thân, tự giác của mỗi người dân, cộng đồng. Mỗi hồ, ao hiện tại cần được nâng niu, gìn giữ để thực sự là những “lá phổi xanh” quý giá cho sức khỏe cộng đồng và tương lai phát triển của Thủ đô.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới