Thị trường hàng hóa
Ngành logistics đã và đang là một ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tạo ra sự nhảy vọt cho nền kinh tế. Đây cũng là ngành nghề nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương.
Đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, CEO của Abivin đánh giá: “Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, trong 10 năm tới, chúng ta sẽ thiếu hụt đến 90% nguồn nhân lực logictics chất lượng cao dự kiến cần có để đáp ứng cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Do đó hiện nay nếu không chú trọng đến việc đào tạo bồi dưỡng lực lượng lao động mới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sau này đặc biệt là tình trạng gia tăng các chi phí logistics và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Tốc độ phát triển nhanh và quy mô lớn nên hiện ngành đang thiếu khoảng 2 triệu người. Sự thiếu nguồn nhân lực càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Các số liệu nghiên cứu đều chỉ ra rằng nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý cũng đang thiếu một cách trầm trọng. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM cho thấy có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics; 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Trước thực trạng khan hiếm, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics đang trở nên hết sức cấp thiết. Với mục tiêu phát triển mạnh nguồn nhân lực ngành logistics ở Việt Nam trong thời gian tới, cơ hội và khả năng thành công đối với các sinh viên ngành logistics cũng được đánh giá là sẽ cao hơn, đặc biệt đối với các sinh viên được đào tạo bài bản, có ý thức chuyên nghiệp, được làm việc thực tế trong các doanh nghiệp.
Theo báo cáo logistics năm 2021, 3 năm trở lại đây được xem là giai đoạn “bùng nổ” trong đào tạo nhân lực ngành/chuyên ngành logistics. Ở bậc đại học, tính đến tháng 10.2021, Việt Nam đã có 49 trường trong tổng số 286 trường đại học trên phạm vi cả nước tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.
Theo báo cáo của Jobstreet, với những vị trí nhân viên mới tốt nghiệp và ít kinh nghiệm thuộc ngành Logistics đều có mức lương khoảng từ 5 – 9 triệu/tháng. Đối với nhân viên đã có kinh nghiệm thì sẽ có mức lương từ 8.5 – 13 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi nhân sự đã lên đến cấp quản lý thì mức lương có thể lên đến 23 triệu đồng/tháng. Logistics thực sự là một ngành học thú vị mang đến cho nhiều cơ hội phát triển khác nhau, hứa hẹn mở ra một tương lai tươi sáng.
Ngành nghề có cơ hội thăng tiến rất rõ ràng theo từng giai đoạn. Nhiều bạn sinh viên khi nghiên cứu về ngành Logistics và đọc các thông tin đặc thù về ngành này đều nghĩ rằng đây là một ngành học khó. Tuy nhiên, Logistics dù là chuyên ngành khá mới nhưng trong Logistics lại đa dạng việc làm. Sẽ có rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến Logistics để người ra trường lựa chọn công việc phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm