Thị trường hàng hóa
Để đối phó với tình hình lạm phát, giá cả leo thang, nhiều bà nội trợ chuyển sang săn “sales” để tiết kiệm chi phí. Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để tiếp cận với các chương trình khuyến mãi như tìm hiểu qua mạng internet, cập nhật catalogue, thông qua người quen giới thiệu. Dù rằng săn sales nhưng họ vẫn tin tưởng chọn những nơi nào uy tín, mức khuyến mãi càng cao.
Theo các bà nội trợ, so với thời điểm cuối năm ngoái, hiện chi phí sinh hoạt cơ bản trong gia đình trong một tháng đã tăng lên từ 20 đến 40%. Bởi vậy, họ đang cố gắng tiết kiệm, hạn chế mua sắm các vật dụng chưa cần thiết để cân đối thu – chi. Nhiều gia đình khác cũng rơi vào cảnh tương tự như thế. Họ cho biết do giá cả liên tục tăng cao nên chấp nhận chuyển sang mua những mặt hàng có giá rẻ hơn, ngừng chi tiêu cho những thứ không thực sự cấp thiết như ra ngoài ăn uống, bớt mua sắm kiểu tùy hứng.
Nhiều tiểu thương và nhà bán lẻ thừa nhận bão giá đã làm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của khách hàng. Họ mua ít hàng hơn trong mỗi lần đến siêu thị hoặc chợ. Đặc biệt rất nhiều người chỉ mua những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, sữa, đường, bột ngọt… Trong khi đó hạn chế tối đa mua hàng cao cấp, hàng đắt tiền như đồ nội thất, máy lạnh, máy giặt, thiết bị nhà bếp.
Tại các thành phố lớn, giá thực phẩm, hàng hóa tăng chóng mặt khiến nhiều người nội trợ xoay sở, tìm kiếm những nguồn cung cấp. Chị Nguyễn Thanh Chi (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, quê nhà chị ngay huyện Thường Tín, nhà lại có sẵn vườn trồng rau, nuôi gà nên chị thường tranh thủ cuối tuần về quê thăm bố mẹ, hái rau và đi chợ quê mua thịt, cá, trứng… So với mặt bằng giá tại thành phố, đồ mua dưới quê vừa rẻ, vừa an toàn hơn nhiều.
Chị Thảo Hương (khu đô thị Linh Đàm) thường cung các chị em cùng chung cư rủ nhau gom đơn hàng để đặt mua từ quê. Ví dụ, chị quê ở Thái Bình sẽ nhận mua hải sản, chị khác quê ở Hà Nam đặt mua thịt lợn, người quê Phú Thọ đặt mua gà đồi… Nếu nhiều người cùng mua, có thể mua được với giá bán sỉ và tiền phí vận chuyển sẽ không bị đội lên quá cao.
Trong khi giá xăng không ngừng tăng cao, giá các dịch vụ trông giữ phương tiện cũng tăng theo, nhiều người chuyển sang đi xe đạp hoặc di chuyển bằng tàu điện trên cao. LAnh Hà Minh Tú (quận Đống Đa) trước đây thường xuyên dùng ô tô để đi làm, dạo gần đây khi vật giá leo thang, anh Tú đã để ô tô ở nhà và chọn di chuyển đến công ty bằng tàu điện. Minh Tú cho biết nếu bây giờ vẫn đi làm bằng ô tô, mỗi tháng cũng phải đổ 5 triệu tiền xăng, hiện giờ anh đi tàu điện mua vé quý chỉ hết 420.000 đồng/ 3 tháng, tiết kiệm được rất nhiều.
Không chỉ anh Tú, hiện nay dân văn phòng tại Hà Nội cũng đã chuyển sang sử dụng xe đạp kết hợp với tàu điện công cộng để tiết kiệm chi phí. Không chỉ vậy, nhiều người cũng không còn la cà quán xá, cắt giảm số buổi tụ tập với bạn bè.
Không chỉ các gia đình, dân văn phòng bị ảnh hưởng bởi bão giá. Các bạn sinh viên tại Hà Nội cũng bị ảnh hưởng sau đại dịch covid-19. Minh Phượng (22 tuổi) xin công ty làm việc ở nhà để hạn chế chi phí đi lại. "Không còn cách nào khác, phí sinh hoạt dồn hết vào việc di chuyển quá nhiều. Nhà mình ở thành phố Thủ Đức, trong khi công ty lại ở quận 1. Mình lại mới chỉ là thực tập sinh", Phượng nói.
Bằng cách cắt giảm chi phí đi lại, Phượng vẫn có thể giữ chất lượng bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng dù giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Phương Thảo (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chọn cách ở lại công ty càng lâu càng tốt, để đỡ tiền điện nước. Thảo hiện làm cho một công ty Esports. Mỗi ngày công ty nấu cơm cho các tuyển thủ. "Vì thế, mình có thể ăn ké. Cơm ngon lại chất lượng", Thảo kể. Thảo cũng cắt giảm hết nhu cầu cá nhân. "Ngày trước mình chơi bời, ăn uống bạn bè nhiều hơn. Giờ thì cắt hết. Nếu muốn tụ tập thì đến nhà nhau, hạn chế tối đa ăn ngoài", Thảo nói.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm