Thị trường hàng hóa
Sensory marketing là chiến lược tiếp thị với mục tiêu hấp dẫn các giác quan của con người con người, bao gồm thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Mục đích của phương pháp này là tạo sự gắn kết về cảm xúc giữa người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu.
Marketing truyền thống hoạt động dựa trên niềm tin rằng người tiêu dùng sẽ cư xử theo lý trí khi đưa ra những quyết định mua hàng dựa trên việc cân nhắc những yếu tố cụ thể như giá thành, đặc điểm và tính hữu dụng của sản phẩm. Ngược lại, marketing dựa trên giác quan cho rằng quá trình đưa ra quyết định của người tiêu dùng không dựa trên khả năng xử lí dữ liệu logic mà là dựa trên những cảm xúc.
Sensory marketing có khả năng cải thiện lòng trung thành của khách hàng, tăng cường quảng bá thương hiệu và tạo ra trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng khiến họ tiếp tục sử dụng sản phẩm. Phương pháp này có thể giúp xây dựng cảm giác quen thuộc giữa khách hàng và thương hiệu cũng như mang lại cảm giác thoải mái khi họ hoàn thành giao dịch.
Ấn tượng phần nhìn là cơ sở để người dùng có thể hình dung ra hình thức, chất lượng của sản phẩm. Đó là lý do thị giác được ứng dụng nhiều nhất trong sensory marketing.
Marketing thị giác là phương thức dùng hình ảnh để gây ấn tượng nhận dạng của thương hiệu và tạo ra trải nghiệm thị giác đáng nhớ cho khách hàng. Trải nghiệm thị giác này đến từ thiết kế bao bì sản phẩm, logo thương hiệu, tờ in quảng cáo, nội thất cửa hàng,… Nghiên cứu của The Paper Worker cho thấy 1/3 việc ra quyết định của người tiêu dùng dựa trên thiết kế bao bì sản phẩm.
Coca-Cola đã vô cùng thành công với sensory marketing khi thiết kế chai vỏ chai Coca đã thể hiện được cá tính đặc trưng riêng của thương hiệu. Cơ quan sở hữu trí tuệ của Nhật Bản đã thực thử nghiệm bóc hết nhãn dán logo trên chai Coca. Kết quả là có đến 93% người tiêu dùng chỉ cần dựa vào kiểu dáng chai đã nhận ra thức uống có gas quen thuộc.
Cảm giác về âm thanh của chúng ta luôn hoạt động ngay cả khi ngủ, đơn giản là chúng ta không thể “tắt” khả năng nghe của mình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một người nghe nhạc và cảm thấy dễ chịu, cơ thể của họ sẽ tiết ra dopamine làm tăng khả năng mua hàng.
Điều này giải thích tại sao phần lớn các nhà bán lẻ phát nhạc tại cửa hàng. Tập đoàn Inditex bao gồm các thương hiệu như Zara, Stradivarius và Bershka, quy định loại nhạc, nhịp độ và âm lượng cho từng cửa hàng, nghĩa là mỗi thương hiệu có “bản sắc âm nhạc” riêng.
Theo ScentAir, một môi trường có mùi hương tích cực có thể cải thiện tâm trạng của một người lên 40%. IKEA là một trong những công ty bán lẻ nổi bật nhất khi nói đến việc tạo mùi thơm cho không gian vật lý để khơi gợi cảm xúc. Dạo quanh một vòng cửa hàng IKEA, khách hàng sẽ nhận thấy mỗi phòng đều có hương thơm riêng. Chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks và các tiệm bánh như Dunkin’ Donuts hay Mrs. Fields Cookies đã nhận ra tầm quan trọng của mùi hương từ cà phê mới pha trong việc thu hút khách hàng.
Một ví dụ nổi bật khác về marketing bằng mùi hương là hãng hàng không Singapore Airlines với mùi hương Stefan Floridian Waters. Loại nước hoa này được các tiếp viên hàng không sử dụng, khăn ướt phát trước khi máy bay cất cánh và trong tất cả khoang máy bay của Singapore Airlines cũng phảng phất hương thơm khiến hành khách khó quên.
Phương pháp tiếp thị qua vị giác đặc biệt hữu hiệu với ngành F&B và dược – mỹ phẩm. Trên thực tế, siêu thị là một trong số ít lĩnh vực sử dụng phương pháp tiếp thị vị giác với việc cung cấp các món ăn thử miễn phí.
Không phải lúc nào khách hàng cũng có thể trải nghiệm mùi vị thực sự của sản phẩm. Nhà tiếp thị cần dùng ngôn từ để kích phát trí tưởng tượng của người dùng về mùi vị của sản phẩm. Để tác động đến vị giác, ngoài các từ ngữ mô tả, nhà tiếp thị có thể đề cập đến những thành phần có trong sản phẩm để khơi dậy “vị giả tưởng”. Phương pháp tác động đến vị giác và khứu giác đặc biệt hữu hiệu với ngành F&B và dược – mỹ phẩm
Xúc giác cung cấp cho khách hàng một lượng thông tin quan trọng để đưa ra quyết định mua hàng, chẳng hạn như khi mua quần áo, chúng ta sẽ sờ để cảm nhận chất liệu vải. Marketing qua xúc giác không thể thực hiện từ xa. Phương pháp này đòi hỏi khách hàng phải tương tác trực tiếp với sản phẩm, thường là qua các trải nghiệm tại cửa hàng. Đây là lý do nhiều đại lý phải bày những sản phẩm dùng thử trên kệ hàng thay vì giữ nguyên chúng trong hộp.
Gần 500 cửa hàng Apple trên toàn thế giới là một ví dụ về hoạt động tiếp thị qua xúc giác. Apple cho phép khách hàng cảm nhận và dùng thử sản phẩm khi đến cửa hàng. Điều này cho phép người tiêu dùng đánh giá chất lượng và chức năng của các món đồ công nghệ, từ đó kích thích mong muốn sở hữu sản phẩm.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm