Thị trường hàng hóa
Chưa có kiến thức bài bản, non kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế cũng là những thách thức của giới trẻ khi tham gia đầu tư tài chính. Nếu không biết về quản lý tiền bạc, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể phạm sai lầm. Nếu bạn không học cách quản lý tiền của mình, người khác sẽ tìm cách quản lý sai cho bạn.
Thấu hiểu những băn khoăn trăn trở của người trẻ trên con đường đi đến tự do tài chính, cuốn sách Học về tiền của tác giả Jeong Seon-Yong đã ra đời và gửi gắm đến độc giả gần xa. Bằng lối viết đầy nhân văn và sâu lắng dưới giọng tâm tình của người cha dành cho con, cuốn sách như tấm la bàn chỉ đường dành tặng cho cậu con trai của ông với 25 năm kinh nghiệm làm việc và trải nghiệm của chính tác giả. Cuốn sách chứa đựng những bài viết về đầu tư và sự giàu có mà bất kì bạn trẻ nào cũng nên đọc một lần trong đời.
Xoay quanh những câu chuyện rất đời, chân thực mà chính tác giả đã trải nghiệm và quan sát, được hiển thị dưới hình thức lá thư lồng ghép đan xen các ví dụ cụ thể và tường minh, khiến nội dung về tài chính không còn trở nên khô khan giáo điều mà dễ dàng tiếp nhận và lĩnh hội sâu: Bậc thang của sự giàu có; Phương diện tiết kiệm; Phương diện đầu tư; Phương diện cuộc sống; Phương diện nghiên cứu về tiền.
Cuốn sách đã chỉ ra rằng, 90% cuộc sống của chúng ta liên quan đến tiền bạc. Vậy nên “học về tiền" cũng chính là việc nghiên cứu bản chất của cuộc sống. Theo tác giả, tiền bạc được chia thành ba vị: hương vị của tiết kiệm, hương vị của tiêu tiền và hương vị của thu thập tiền.
Tiền chủ yếu được cấu thành bởi 4 bậc thang theo tiêu chuẩn chu kỳ cuộc sống con người: thời thơ ấu là quãng thời gian ta chỉ có thể tiêu mà không kiếm được tiền, tuổi thanh niên ta kiếm được thu nhập nhờ lao động, tuổi trưởng thành là thời kỳ kiếm được thu nhập nhờ kinh doanh và tuổi già là thời kỳ thu nhập được sinh ra từ vốn.
Theo tác giả Jeong Seon-Yong, một số người nghĩ rằng phải có thu nhập thì mới có chi tiêu, nhưng tuyệt đối không phải như vậy. Việc chúng ta nghĩ rằng bản thân không có tiền đó là bởi chúng ta chưa có đủ tiền hoặc chúng ta chưa hài lòng với số tiền đang có. Thu nhập không nên được hiểu là khái niệm “kiếm tiền" mà nên chia thành thu nhập lao động, thu nhập kinh doanh và thu nhập vốn để hiện thực hóa các khái niệm riêng lẻ.
Để trở nên giàu có thì ta chỉ nên xếp thu nhập vào vị trí số hai trong số những mối quan tâm và vị trí thứ nhất chắc chắn phải là chi tiêu. Mua hàng không chỉ đơn giản là việc chúng ta bỏ tiền ra để mua được món đồ nào đó, đó là việc ta mua cả giá trị tồn tại của đối tượng, giá trị sử dụng của hiện tại và giá trị sử dụng tương lai của đồ vật ấy.
Theo tác giả, thế giới chúng ta đang sống sẽ vô cùng khó khăn đối với những người “mù chữ về kinh tế”. Vì vậy, chúng ta phải sống như một chuyên gia về kinh tế. Thông qua cuốn sách Học về tiền, tác giả sẽ giúp người đọc thấu hiểu vì sao chúng ta phải học về tiền, am hiểu về bản chất của tiền và cách thức làm giàu ở trong thu nhập chứ không phải trong chi tiêu mà không bao giờ giới hạn bởi hai từ “kiếm tiền".
“Học về tiền” xứng đáng đứng ngay ngắn trên giá sách nhà bạn, cho tất cả những ai đang loay hoay với lượng kiến thức khổng lồ về tiền bạc hay còn đang trăn trở trên con đường tự do tài chính của mình.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm