Thị trường hàng hóa
Không chỉ vậy, truy xuất nguồn gốc hàng hóa còn là tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại… từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ động xây dựng bộ truy xuất hàng hóa
Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 12/1/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành văn bản số 2723/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc; đào tạo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc; điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn để xây dựng “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của thành phố”, bảo đảm kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện có hai hình thức truy xuất, gồm chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code hay mã vạch. Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất, đến người tiêu dùng.
Với những doanh nghiệp làm ăn bài bản, để xây dựng thương hiệu nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh bằng được với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình là an toàn. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng chính là thông điệp về chất lượng sản phẩm mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng một cách cụ thể nhất.
Việc Hà Nội đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa được cả doanh nghiệp, nhà quản lý và người dân quan tâm. Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, mà còn là “hàng rào” bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, đây là công cụ hữu ích phục vụ quản lý, kiểm soát thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Theo một số chuyên gia, việc minh bạch nguồn gốc hàng hoá góp phần củng cố thương hiệu và gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh liên kết giữa các vùng sản xuất trên cả nước với các nước trên thế giới, hình thành mạng lưới toàn cầu cho các sản phẩm của Việt Nam.
Có thể nói, truy xuất nguồn gốc vừa là công cụ hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể bảo đảm được chất lượng trong sản xuất và quyền lợi người dùng; vừa là yếu tố để nhà sản xuất và người tiêu dùng hướng đến xây dựng một văn hóa mới phù hợp với sự phát triển.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Là một người tiêu dùng, chị Nguyễn Vũ Diệu Linh (phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan, do đó để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, mình thường mua các sản phẩm có tem mác, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Đó là cách bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của gia đình mình”.
Cũng như chị Linh, chị Nguyễn Thị Hà (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Là người nội trợ chính trong gia đình, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được tôi đặt lên hàng đầu. Do đó, tôi thường vào siêu thị để mua rau, thịt, hoa quả…bởi ở đó các sản phẩm có dán tem mác xuất xứ đầy đủ”.
Có cùng quan điểm, chị Mai Anh (phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị thường mua hàng hóa ở siêu thị để bảo đảm an tâm về nguồn gốc của các loại thực phẩm. “Đứng từ góc độ người tiêu dùng, tôi hoàn toàn ủng hộ sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc”, chị Mai Anh nói.
Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là nông sản theo những tiêu chuẩn có uy tín như GAP, GlobalGAP, ASC, BAP... Các doanh nghiệp này không chỉ nỗ lực đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng.
Từ hai năm nay, 100% lượng thịt gà của các hộ thành viên trong Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) đều được sản xuất theo quy trình an toàn, đóng gói dán tem QR code. Ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây cho hay, hiện nay, với quy mô 100.000 con gà, trung bình mỗi ngày, chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây cung cấp khoảng 0,5 tấn thịt gà cho thị trường.
“Điều phấn khởi nhất là chúng tôi nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng về việc dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối mạng”, ông Quân nói.
Bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Ánh Dương cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR, mã vạch là xu hướng và nhu cầu tất yếu, tạo cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, thế mạnh trong kinh doanh. Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc sẽ có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng./.
Trong giai đoạn này, thành phố Hà Nội phấn đấu có 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thuốc chữa bệnh; sản phẩm, hàng hóa chủ lực, trọng điểm, ưu tiên, đặc trưng trên địa bàn thành phố sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm