Thị trường hàng hóa
Nhiều năm qua, khi nói về gạo xuất khẩu, câu chuyện thường xoay quanh thị trường gần, thị trường xa cùng các hợp đồng số lượng lớn. Rõ ràng, với gạo Việt, "lượng" đã thuộc Top đầu, nhưng một vấn đề đã tồn tại nhiều năm là "chất" vẫn ít được biết đến, do không có thương hiệu uy tín.
Nhiều chuyên gia phân tích, thương hiệu không chỉ là đích đến cho gạo xuất khẩu của Việt Nam mà còn có thể giải quyết bài toán lớn về thị trường.
Có một tin tốt là những bao gạo mang thương hiệu Việt gần đây đã được đóng túi nhỏ, bán trực tiếp trên những kệ hàng tại siêu thị, cửa hàng ở Nhật Bản, EU, Mỹ, Canada… Đây có thể xem như là trái ngọt sau nhiều nỗ lực của doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Không quá khó khăn để thấy rằng, gạo Việt với thương hiệu ST25, Lộc Trời đã và đang được đón nhận nồng nhiệt, không chỉ làm hài lòng những người con xa xứ mà còn của cả cư dân bản địa. Và, những ấn tượng như thế có thể nói là sẽ còn đọng lại lâu trong lòng người tiêu dùng.
Trong tương lai, để ngày càng nhiều thương hiệu gạo Việt chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, cần triển khai ngay các giải pháp từ trong nước.
Giải pháp ở đây, theo đề xuất của các chuyên gia là cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Cùng đó, Nhà nước nên bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận và có sẵn khách hàng nước ngoài mà không phụ thuộc vào công ty có giấy phép xuất khẩu gạo. Điều này sẽ phần nào hạn chế được việc giá gạo bị đội lên. Đây có thể nói là những cơ chế hoàn toàn trong tầm tay. Vấn đề là cần có sự thay đổi quyết liệt trong cách làm để không chỉ quá bị chi phối bởi những hợp đồng gạo chỉ vài trăm USD/tấn. Hạt gạo Việt khi đã tạo dựng được thương hiệu, đáp ứng nhu cầu cung ứng dưới góc độ thương mại sẽ giúp các thương nhân Việt Nam được quyền định giá theo mức xứng đáng của thị trường.
Khi gạo đã có thương hiệu, chuyện cạnh tranh về giá đầu ra không còn quan trọng, do đó doanh nghiệp có thể thu mua lúa tươi với giá cao, giúp nông dân tại vùng nguyên liệu yên tâm sản xuất. Đây cũng là những động thái cần thiết để tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp xuất khẩu nhằm phát huy những ưu thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm