Thị trường hàng hóa
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn, với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu gạo trong quý I/2023 ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore đã tăng trưởng cao. Xuất khẩu sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, nhiều thị trường tăng mạnh như: Hà Lan, Bỉ, Ba Lan. Đặc biệt các thị trường truyền thống và trọng điểm vẫn tiếp tục giữ vững, như: Philippines, Trung Quốc.
Nguyên nhân của kết quả trên là nhờ các bộ, ngành đã có sự hỗ trợ các doanh nghiệp để chuyển đổi gạo xuất khẩu sang gạo từ phẩm cấp thấp và trung bình sang chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ… Đây là nguyên nhân chính giúp giá xuất khẩu tăng cao và giúp gạo Việt Nam giữ vững được vị thế xuất khẩu.
Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay theo phản ánh, các doanh nghiệp ngành gạo đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Hơn nữa, thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao, cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 7 triệu tấn với kim ngạch đạt 4 tỷ USD. Dù khối lượng thấp hơn năm 2022 (7,13 triệu tấn), song kim ngạch cao hơn hẳn (3,45 tỷ USD).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.
Hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như: Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ Đông Xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt...
Theo Bộ Công Thương, các hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, có kiến nghị để Bộ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo như Nghị định số 103/2020/NĐ-CP, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP để tạo tiền đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Song song với đó, cần triển khai tuyên truyền, phổ biến thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho xuất khẩu gạo sang các thị trường; nhất là trong bối cảnh xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.
Đặc biệt, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm