Thị trường hàng hóa
Xuất khẩu vượt xa kỳ vọng
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt trên 6,68 triệu tấn, tương đương trên 3,24 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2021.
Về giá, theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân gạo của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 493 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng 10/2022, nhưng giảm 5,8% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân gạo đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường, 11 tháng qua, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3 triệu tấn, tương đương 1,39 tỷ USD, giá trung bình 463 USD/tấn, tăng 30% về lượng, tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn, tương đương 408,49 triệu USD, giá trung bình 505,6 USD/tấn, giảm 19,2% về lượng và giảm 17,4% kim ngạch.
Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 655.593 tấn, tương đương 294,28 triệu USD, giá 448,9 USD/tấn, tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ. Thị trường này hiện chiếm trên 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang khối các thị trường RCEP 11 tháng qua đạt 4,42 triệu tấn, tương đương trên 2,09 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch; khối CPTTP đạt 543.913 tấn, tương đương 263,13 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 19,8% kim ngạch; khối EU đạt 26.668 tấn, tương đương trên 17,84 triệu USD, tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch.
Với kết quả của 11 tháng qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ước tính rằng kết thúc năm 2022 sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn với trị giá ước tính khoảng 3,5 tỷ USD.
“Năm 2022 là một năm có rất là nhiều biến động trên thị trường, khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III giá gạo mới tăng lên. Tuy nhiên có thể khẳng định năm 2022 vẫn tiếp tục là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Theo đó, ước đến hết năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được trên 7 triệu tấn gạo. Đây là một con số những người làm trong ngành như chúng tôi không ai nghĩ sẽ đạt”- ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá.
Cũng theo VFA, trong năm 2022 có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đứng đâu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 7 USD/tấn.
Không chỉ có gạo trắng mà các loại gạo thơm, gạo japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An- cho biết, giá gạo thơm xuất khẩu cho thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn.
Nhiều triển vọng trong năm 2023
Nhận định về triển vọng của ngành lúa gạo trong năm 2023, ông Đỗ Hà Nam cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
“Tôi cho rằng năm 2023 sẽ tiếp tục là năm khả quan với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì gạo là lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo của nhiều quốc gia bị thu hẹp lại do biến đổi khí hậu. Minh chứng là chúng tôi đã ký kết và sẽ giao khoảng 30.000 tấn gạo trong quý I/2023 cho các thị trường như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc…”- ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Thành - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV - bổ sung: Thị trường năm 2023 có nhiều triển vọng tích cực khi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhưu Ấn Độ, Trung Quốc giảm sản lượng do ảnh hưởng thiên tai (lũ lụt, hạn hán). Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia cũng tranh thủ thu mua nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Riêng Phước Thành IV hiện đang chuẩn bị kế hoạch mua dự trữ hàng vụ Đông xuân sớm và vụ Đông xuân chính vụ, nhằm đảm bảo nguồn hàng cho các đơn hàng xuất khẩu.
Cùng với thuận lợi, theo ông Đỗ Hà Nam, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, sản xuất - xuất khẩu lương thực nói riêng sẽ phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến vốn và room tín dụng. Cụ thể, hiện nay câu chuyện tài chính đang là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới những doanh nghiệp muốn mở rộng hoặc thu mua dự trữ. Chưa kể là hiện nay Ngân hàng Nhà nước dù bắt đầu mở thêm room tín dụng nhưng mức độ nó rất nhỏ, dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp.
Mong được thêm “trợ lực” từ xúc tiến thương mại quốc gia
Trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen, các doanh nghiệp mong muốn cơ chế về tỷ giá, lãi suất phải có tính ổn định. Bởi khi doanh nghiệp lên phương án kinh doanh sản xuất đều phải dựa trên tỷ giá và khi tỷ giá lên xuống một cách đột ngột thì tất cả những tính toán của các doanh nghiệp đều sẽ không còn chính xác, dẫn đến thua lỗ. Thêm vào đó, tính ổn định nguồn vốn cũng rất quan trọng, giúp đảm bảo định hướng sản xuất và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cấp vốn cho doanh nghiệp lúa gạo.
Ngoài ra, việc xúc tiến thương mại cũng cũng được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng và quan tâm. Do đó các doanh nghiệp mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đi các thị trường mới, trọng điểm như Trung Đông, EU…
Chỉ ra tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Phước Thành cho hay, tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, nhờ xúc tiến thương mại đã giúp mặt hàng gạo vào được các siêu thị của những quốc gia này. “Trong năm 2022, công ty đã có đơn hàng mẫu, kết nối và mở thêm được thị trường Anh. Từ đó có kế hoạch xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường này”- ông Nguyễn Phước Thành chia sẻ.
Trên thực tế, việc xúc tiến thương mại cho nông sản nói chung, mặt hàng gạo nói riêng được Bộ Công Thương rất chú trọng thông qua tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi hội chợ, triển lãm tại nước ngoài. Bên cạnh đó, ngay tại nội địa, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều hội thảo kết nối giao thương trực tiếp cho doanh nghiệp với nhà mua quốc tế.
Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA đánh giá: Những năm gần đây Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp gạo. Cụ thể như tổ chức các đoàn xúc tiến tham gia hội chợ, triển lãm hoặc kết nối giao thương tại nước ngoài. Qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng và có tín hiệu tốt ngay sau đó. Đặc biệt, những chương trình xúc tiến tại nước ngoài khi có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương đã giúp kết quả đàm phán vượt xa mong đợi của doanh nghiệp.
“Bài học vừa qua thì chúng tôi thấy nếu chỉ có Hiệp hội Lương thực Việt Nam đi xúc tiến tại Philippines thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không thể đàm phán thành công với nhà nhập khẩu nước này. Tuy vậy khi lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp tham gia với đoàn và làm việc cùng Bộ Nông nghiệp Philippines thì lập tức vướng mắc về SPS đã được giải tỏa. Theo đó chỉ ngay ngày hôm sau hàng loạt tàu bè bị neo cả tháng ở ngoài cảng được thông suốt. Đó là một tín hiệu rất tốt mà các doanh nghiệp chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Bộ Công Thương. Do đó chúng tôi mong muốn trong năm 2023 sẽ được Bộ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn”- ông Đỗ Hà Nam nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm