Thị trường hàng hóa
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến nhu cầu hàng dệt may, giày dép sụt giảm.
Đặc biệt, trong nửa cuối năm, khó khăn bủa vây, lạm phát tác động đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy nhiên, ngành dệt may và da giày vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số.
Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu năm 2022 đã hoàn thành với tăng trưởng khá, nhưng điều này không bảo đảm rằng ngành dệt may và da giày sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023, do đang có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành.
Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…
Năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỷ USD, còn ngành da giày khoảng phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD.
Về dài hạn, dệt may, da giày vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế. Chiến lược Phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Chính phủ phê duyệt. Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2 - 7,7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai ngành năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD, năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.
Đáng chú ý, ngành dệt may và da giày tiếp tục thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm